Hà Nội
Đại biểu tham gia biểu quyết thông qua nội dung nghị quyết - Ảnh: Thanh Hải
Theo đó, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm là mức áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân...
Trước đó, trình bày Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội (Thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa là tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố diễn ra phổ biến và có số lượng lớn các vi phạm chưa được xử lý.
Các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn thường xuyên tái diễn như: đổ thải không đúng quy định, vận chuyển chất thải không che chắn để rơi vãi ra đường giao thông, vứt rác thải nơi công cộng, vệ sinh không đúng nơi quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn, không tiến hành thu gom chất thải nguy hại theo quy định…
"Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, yêu cầu đặt ra cho chính quyền thành phố phải giải quyết bài toán tăng trưởng phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, cùng với các giải pháp về lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện hành, việc tăng mức xử phạt theo quy định tại khoản 1, Điều 33 Luật Thủ đô để tăng tính răn đe là cần thiết" - ông Nguyễn Xuân Đại nêu rõ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại trình bày tờ trình - Ảnh: Thanh Hải
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, việc nâng mức xử phạt với hành vi vi phạm bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp để góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thủ đô; là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời thể hiện thái độ của chính quyền thành phố và của Nhân dân Hà Nội trong việc bảo vệ môi trường Thủ đô.
Từ những lý do trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội khẳng định, việc ban hành Nghị quyết HĐND TP về nâng mức tiền phạt cao hơn so hơn với quy định của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội là rất cần thiết.
Thẩm tra về nội dung này, Ban Pháp chế HĐND TP bày tỏ thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
"Việc ban hành Nghị quyết quy định về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn TP Hà Nội theo hướng nâng mức tiền phạt theo mức quy định chung áp dụng trong toàn quốc của pháp luật chuyên ngành lên mức phạt cao hơn nhưng trong khung được Luật Thủ đô quy định là một biện pháp hữu hiệu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, hạn chế, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý môi trường trên địa bàn TP" - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hoàng Thị Thúy Hằng nêu rõ.
Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Hoàng Thị Thúy Hằng trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Thanh Hải
Cùng với đó, theo Ban Pháp chế HĐND TP, phạm vi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường được quy định nâng mức tiền phạt đã bảo đảm sự thống nhất với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Ban Pháp chế HĐND TP nhận định, đây là các hành vi vi phạm mang tính phổ biến trong thời gian qua, mặc dù đã được cơ quan quản lý Nhà nước nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên; hoặc là các hành vi vi phạm dẫn đến hậu quả khó khắc phục, thậm chí không khắc phục được, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và uy tín của chính quyền các cấp. Vì vậy, Ban thống nhất với phạm vi các hành vi vi phạm được xác định nâng mức tiền phạt như trong dự thảo Nghị quyết.
Theo Nghị quyết được HĐND TP thông qua, quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Điều 5 Nghị quyết này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này.
Cụ thể, mức tiền phạt: Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này là mức tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nguyên tắc áp dụng về thẩm quyền xử phạt: Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị quyết này. Trường hợp Chính phủ có điều chỉnh quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt: Áp dụng mức tiền phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Vân Hà - Ảnh: Thanh Hải