Nắng nóng, 3 việc người bệnh tiểu đường nên làm để ổn định đường huyết, phòng ngừa biến chứng

Nắng nóng, 3 việc người bệnh tiểu đường nên làm để ổn định đường huyết, phòng ngừa biến chứng
17 giờ trướcBài gốc
Người bệnh tiểu đường vì sao nên hạn chế tiếp xúc với thời tiết nắng nóng?
Theo các chuyên gia y tế, sức khỏe của người bệnh tiểu đường không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, tái khám định kỳ… mà còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Thời tiết ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, tác dụng của thuốc cũng như sản xuất insulin.
Ảnh minh họa
Thông thường, người bị tiểu đường type 1 và type 2 sẽ cảm thấy nóng, dễ bị kiệt sức và say nắng hơn người không bị tiểu đường. Chính vì thế, dễ xuất hiện một số biến chứng như tổn thương mạch máu và dây thần kinh có thể ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi, khiến cơ thể không thể làm mát như người bình thường.
Ngoài ra, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể sử dụng insulin. Do đó, người bệnh cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn và tham khảo bác sĩ để điều chỉnh liều lượng insulin và chế độ ăn uống hợp lý.
Nắng nóng, người bệnh tiểu đường cần làm gì để phòng biến chứng?
Phòng bệnh về da
Những người bị bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt sẽ dễ bị nhiễm trùng da ở các dạng khác nhau như áp xe, mụn nhọt, mức độ từ nhẹ đến nguy hiểm. Các chuyên gia đái tháo đường cho biết: Vì mồ hôi quá nhiều nên đàn ông bị đái tháo đường có thiên hướng phát triển nấm candida quanh háng. Còn phụ nữ bị đái tháo đường thì dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Những vấn đề về da có thể tránh được bằng cách áp dụng các biện pháp phòng chống đơn giản sau: Tắm hàng ngày nhằm ngăn chặn vi khuẩn, nấm phát triển trên da. Tránh mặc trang phục bằng sợi tổng hợp, nên mặc đồ bằng cotton cho thoáng khí và thấm mồ hôi. Cần duy trì mức độ đường huyết phù hợp thông qua chế độ ăn uống và luyện tập.
Phòng bệnh ở bàn chân
Ảnh minh họa
Những người mắc bệnh đái tháo đường lâu năm dễ bị viêm loét bàn chân, chấn thương và nhiễm trùng chân bởi vì họ kiểm soát đường huyết kém, đặc biệt là ở nhiệt độ bất lợi (cực lạnh hoặc nóng). Vì thế, người bệnh đái tháo đường phải đặc biệt lưu ý đến đôi chân của mình và tránh phát triển nhiễm trùng chân.
Khi đi giày dép mùa hè chúng ta dễ bị ra mồ hôi chân khiến chân bị ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển. Do quá nóng một số người còn đi chân trần nên việc bị tổn thương bàn chân do dẫm phải các vật sắc nhọn rất dễ xảy ra. Cần luôn đảm bảo rửa chân sạch sẽ và giữ khô, tránh để chân bị tổn thương và phải thường xuyên kiểm tra các dấu hiệu lạ ở chân.
Uống bổ sung nước
Thời tiết nóng bức làm cho cơ thể đổ mồ hôi nhiều dẫn đến mất nước. Nếu người mắc bệnh đái tháo đường không uống đủ nước, sẽ làm giảm lượng nước trong máu làm máu bị cô đặc, đường máu tăng và sẽ sản sinh xeton. Khi đường máu tăng, cơ thể người mắc bệnh đái tháo đường sẽ tăng bài tiết nước tiểu dẫn đến tình trạng mất nước ngày càng trầm trọng hơn. Trong trường hợp nặng, mất nước có thể ảnh hưởng đến chức năng của não và các cơ quan khác.
Vì vậy, uống nhiều nước là cách tốt nhất để đối phó với mất nước nhẹ xảy ra dưới cái nóng mùa hè. Lưu ý, cần tránh sử dụng đồ uống có gas, nước ép trái cây, rượu và cafein.
Người bệnh tiểu đường cần làm gì để ổn định đường huyết?
Ảnh minh họa
Trong những ngày nắng nóng cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường. Tránh hiện tượng hạ đường huyết do ăn uống không đầy đủ trong khi vẫn dùng các thuốc điều trị bệnh. Hạ đường huyết là một trong những yếu tố thuận lợi dẫn đến nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân tiểu đường có suy mạch vành.
Với những bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thận cần uống đủ nước. Vì việc uống ít nước sẽ làm cho tình trạng suy thận gia tăng hoặc tình trạng suy thận nặng hơn. Việc uống thiếu nước cũng là nguyên nhân khiến người bệnh tiểu đường dễ bị biến chứng huyết khối, tắc mạch nhiều hơn.
Để cung cấp đầy đủ dưỡng chất, người bệnh tiểu đường trong mùa nóng nên tránh hoạt động nhiều dưới trời nắng, nên uống đủ nước, ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho... để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể.
Khi cơ thể có các biểu hiện bất thường cần phải được đi khám tại các chuyên khoa kịp thời, tránh để những hậu quả xấu xảy ra.
M.H (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nang-nong-3-viec-nguoi-benh-tieu-duong-nen-lam-de-on-dinh-duong-huyet-phong-ngua-bien-chung-172250506152449131.htm