Mặt trái của thị trường "vàng thau lẫn lộn"
Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện bốn khách sạn tự ý gắn hạng sao không đúng quy định trên các nền tảng đặt phòng quốc tế như Agoda, Booking, Traveloka...
Dù chưa được công nhận hoặc đã hết hiệu lực công nhận hạng sao, các khách sạn này vẫn hiển thị biểu tượng 4-5 sao cạnh tên gọi để thu hút người dùng.
Đây không phải là hiện tượng mới, nhưng lại ngày càng phổ biến và tinh vi hơn khi các nền tảng đặt phòng quốc tế .
Khách sạn Risemount Premier Resort Đà Nẵng đã hết hiệu lực công nhân hạng 5 sao.
Bà Đoàn Thị Kim Thanh, Chánh thanh tra Sở thông tin, khách sạn Risemount Premier Resort Đà Nẵng (120 Nguyễn Văn Thoại, quận Ngũ Hành Sơn), từng được công nhận hạng 5 sao theo quyết định của Tổng cục Du lịch, đã hết hiệu lực công nhận nhưng vẫn hiển thị 5 sao trên nhiều nền tảng trực tuyến. Đợt thẩm định lại gần nhất, khách sạn này chưa đạt chuẩn 5 sao, song biểu tượng 5 ngôi sao vẫn tiếp tục được dùng để quảng bá.
AlanSea Hotel Đà Nẵng (quận Sơn Trà) cũng chưa được công nhận hạng sao nhưng lại xuất hiện hình ảnh 5 sao trên các nền tảng trực tuyến. Delicate Hotel (quận Sơn Trà) và Haian Riverfront Hotel (quận Hải Châu) chưa từng được cấp hạng sao, nhưng vẫn hiển thị ở mức 4 sao trên website bán phòng.
Thanh tra Sở đã yêu cầu tất cả các khách sạn liên hệ các nền tảng để gỡ bỏ hình ảnh sao và xử phạt hành chính 4 triệu đồng đối với Delicate Hotel vì không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, hướng dẫn viên du lịch tại thành phố Đà Nẵng, cho rằng, việc "nâng sao ảo" dẫn đến trải nghiệm sai lệch và thất vọng cho khách lưu trú. Nhiều du khách chọn khách sạn dựa vào xếp hạng sao, vốn là thước đo cho chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, nhân lực và tiêu chuẩn vệ sinh.
Việc bị lừa về chuẩn sao không chỉ khiến khách bức xúc mà còn làm xói mòn niềm tin với toàn hệ thống đặt phòng trực tuyến và cả ngành du lịch địa phương. Nhiều người sau một lần thất vọng có thể sẽ không quay trở lại hoặc đánh giá thấp chất lượng dịch vụ của cả thành phố.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Như, Tổng quán lý một khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, nhận định, xếp hạng sao là quy trình nghiêm ngặt do cơ quan chức năng thẩm định, xét trên hàng chục tiêu chí từ tiện ích, không gian, năng lực nhân sự đến chế độ phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, nhiều khách sạn hiện nay tận dụng khoảng trống quản lý của các nền tảng số để gắn mác sao "chui", từ đó định giá cao hơn và chiếm lợi thế tiếp thị.
AlanSea Hotel Đà Nẵng chưa được công nhận hạng sao nhưng lại xuất hiện hình ảnh 5 sao trên các nền tảng trực tuyến.
Thực tế, một số nền tảng cho phép khách sạn tự kê khai hạng sao hoặc tự động gắn sao dựa trên mức giá và phản hồi người dùng, vốn không có tính pháp lý. Điều này khiến các cơ sở làm ăn bài bản, được cấp sao chính thức trở nên lép vế trong cạnh tranh.
Nhiều đơn vị đầu tư đúng chuẩn 4 sao, làm việc cả năm mới được cấp giấy chứng nhận, nhưng giá phòng vẫn thấp hơn các khách sạn "nâng sao ảo" vì họ không gánh chi phí đúng chuẩn, chị Như nói.
Trong bối cảnh ngành du lịch Đà Nẵng đang phục hồi mạnh sau dịch, việc đảm bảo chất lượng lưu trú là yếu tố sống còn để giữ chân du khách. Việc để lọt các cơ sở lưu trú quảng bá sai sự thật không chỉ gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người tiêu dùng, mà còn đe dọa uy tín của cả điểm đến.
Làm gì để không rơi vào "bẫy sao ảo" khi đặt khách sạn?
Anh Trần Như Hải, hướng dẫn viên du lịch cho hay, để tránh rơi vào "bẫy sao ảo", tình trạng khách sạn tự ý gắn mác 4-5 sao trên các nền tảng trực tuyến dù chưa được cơ quan chức năng công nhận, du khách cần chủ động kiểm tra và lựa chọn thông tin một cách kỹ lưỡng trước khi đặt phòng.
Trước hết, thay vì chỉ dựa vào biểu tượng sao hiển thị trên các trang đặt phòng như Agoda, Booking hay Traveloka, du khách nên kiểm tra danh sách xếp hạng sao chính thức tại website của Tổng cục Du lịch Việt Nam (www.vietnamtourism.gov.vn) hoặc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch các địa phương. Đây là nguồn dữ liệu đáng tin cậy, giúp xác định khách sạn có được cấp hạng sao hay không, cũng như thời hạn hiệu lực của quyết định công nhận.
Delicate Hotel chưa từng được cấp hạng sao, nhưng vẫn hiển thị ở mức 4 sao trên website bán phòng.
Tiếp theo, hãy dành thời gian đọc kỹ phần đánh giá của những người đã từng lưu trú. Các nhận xét gần đây, có hình ảnh thực tế kèm theo, thường phản ánh chính xác chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất. Nếu một khách sạn được giới thiệu là 5 sao nhưng khách liên tục phản ánh phòng nhỏ, thiếu tiện nghi, ăn sáng sơ sài... thì đó là dấu hiệu rõ ràng của việc "nâng sao" không đúng thực tế.
Ngoài ra, du khách cần lưu ý đến sự bất hợp lý giữa hạng sao và mức giá. Một khách sạn tự nhận 5 sao nhưng có giá thấp hơn mặt bằng chung rất nhiều, hoặc nằm ở khu vực ít dịch vụ hỗ trợ, cũng có thể là dấu hiệu của quảng cáo sai lệch. Trong trường hợp nghi ngờ, hãy liên hệ trực tiếp với khách sạn để xác nhận các tiện ích kèm theo, đồng thời yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận hạng sao nếu cần.
Việc lựa chọn nền tảng đặt phòng cũng đóng vai trò quan trọng. Ưu tiên các nền tảng có chính sách rõ ràng về bảo vệ người dùng, cho phép phản hồi, hủy phòng trong trường hợp thông tin sai lệch. Một số nền tảng uy tín có phân biệt rõ giữa "hạng sao chính thức" (được công nhận bởi cơ quan quản lý) và "sao đánh giá từ người dùng", du khách cần đọc kỹ phần chú thích để không bị nhầm lẫn.
Cuối cùng, nếu gặp tình huống bị "treo đầu dê bán thịt chó", du khách nên giữ lại các bằng chứng như hình ảnh đặt phòng, ảnh thực tế và phản ánh với nền tảng hoặc cơ quan quản lý du lịch. Hành động này không chỉ bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn góp phần làm sạch môi trường du lịch, nâng cao tính minh bạch và chất lượng dịch vụ lưu trú tại các điểm đến.
Nguyễn Duy Cường