Với mục tiêu duy trì, từng bước nâng cao chất lượng, phát triển và khẳng định thương hiệu trên thị trường, việc nâng sao cho sản phẩm OCOP đang được các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, hữu hiệu...
Lúa đặc sản nếp Quạ Đen của xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn đã hoàn thiện các tiêu chí và hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh trong năm 2024.
Nâng tầm nông sản
Nằm cách trung tâm huyện Yên Lập 7km, Xuân Thủy là xã miền núi với hơn 90% đồng bào dân tộc Mường, Dao sinh sống. Tận dụng lợi thế đất đai rộng, nắm vững quy trình kỹ thuật cộng với tư duy sản xuất mới, xã Xuân Thủy đã có hơn 10ha trồng bưởi Diễn sản xuất theo hướng hữu cơ; hàng năm xuất bán ra thị trường các tỉnh phía Bắc gần 30 vạn quả với giá bán dao động 20.000 đồng/quả.
Ông Nguyễn Văn Nên - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bưởi Xuân Thủy cho biết: “HTX được thành lập năm 2019, với 13 thành viên sản xuất kinh doanh bưởi. Nhờ phương thức canh tác theo hướng hữu cơ, chất đất tơi xốp đã giúp cây bưởi Diễn xanh tốt hơn, cây khỏe, ít sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, vượt trội so với trồng bưởi truyền thống”. Năm 2021, sản phẩm Bưởi Xuân Thủy của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, được các cấp, ngành đánh giá cao về chất lượng.
Huyện Yên Lập hiện có 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó 21 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Yên Lập đã chủ động triển khai các hoạt động khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất sản phẩm mở rộng kinh doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ; tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm. Thành công của HTX Bưởi Xuân Thủy đã cho thấy hiệu quả tích cực của việc ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ vào sản xuất. Đây là mô hình điểm của huyện Yên Lập tạo động lực khuyến khích các hộ trồng bưởi và các loại cây ăn quả áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ vào sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, từ nay đến hết năm 2025, huyện sẽ tiếp tục phân loại, đánh giá các sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích các tổ chức kinh tế, gia đình đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tăng cường xúc tiến thương mại, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện trong việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng tham gia tại các phiên chợ, triển lãm.
Vụ mùa năm nay, gia đình ông Đinh Văn Dự ở khu Giai Thượng, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn thu hoạch khoảng gần 2 tấn lúa nếp Quạ Đen trên diện tích hơn 0,5ha, doanh thu ước khoảng gần 40 triệu đồng. Ông Dự cho biết: “Nếp Quạ Đen chỉ hợp trồng vụ mùa với thời gian sinh trưởng 143 ngày. Năm nay, do điều kiện tự nhiên nhiều thiên tai nên gia đình tôi không mở rộng diện tích trồng nhiều như mọi năm nhưng cây lúa sinh trưởng tốt, cao gần tới đầu người, cho năng suất cao”.
Theo lời kể của đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Công Trọng, những năm 2017- 2019, toàn bộ diện tích vụ mùa của xã đều bị người dân bỏ trắng. Các đồng chí lãnh đạo càng trăn trở hơn khi triển khai các giống mới vào sản xuất nhưng vẫn chịu thất thu bởi vụ mùa thường nhiều sâu bệnh lại hay mưa bão thất thường. Năm 2020, được sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện, xã Thắng Sơn cấy thí điểm 3ha lúa nếp Quạ Đen cho thu hoạch gần 1,5 tạ/sào với giá trị kinh tế gấp 2,5-3 lần giống lúa tẻ. Vụ mùa thứ hai, xã Thắng Sơn mở rộng diện tích ra 3 khu tổng cộng là 20ha. 100% đều sản xuất theo hướng hữu cơ, bón phân chuồng, không dùng thuốc trừ cỏ. Đến nay diện tích trồng lúa nếp Quạ Đen tại xã đã nâng lên 75ha, sản lượng vụ mùa năm nay đạt hơn 300 tấn. Sản phẩm đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử của Sở Công Thương, nền tảng mạng xã hội và tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Phan Thanh Trường - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thanh Sơn cho biết: “Mô hình trồng lúa nếp Quạ Đen của huyện vừa giúp bảo tồn đặc sản địa phương, vừa tuyên truyền cho bà con ở những vùng giáp khu công nghiệp không bỏ vụ vì hiệu quả kinh tế vượt trội của giống lúa này. Năm 2025, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa nếp đặc sản Quạ Đen lên 100ha tại các xã: Thắng Sơn, Yên Sơn, Yên Lãng, Cự Đồng. Đồng thời, huyện tiếp tục chủ động tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp xã và các chủ thể sản phẩm OCOP; tạo mọi điều kiện hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm. Phấn đấu đến hết năm huyện có 38 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Các sản phẩm phát huy hiệu quả, có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường, trở thành động lực để phát triển kinh tế khu vực nông thôn”.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày các tại các phiên chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP.
Khơi dậy nội lực, hoàn thành mục tiêu
Xác định đúng thế mạnh, đặc trưng được coi là “nền móng” để triển khai thành công chương trình OCOP, tỉnh đang tập trung củng cố hoàn thiện mẫu bao bì sản phẩm, đánh giá chất lượng, đồng hành cùng với các chủ thể sản phẩm, xác định mục tiêu thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, từ đó khơi dậy nội lực, quyết tâm của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 220 sản phẩm, nhóm sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Các sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Công tác quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cũng được chú trọng với 15 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP của 10 huyện, thành, thị gồm: Thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê, Thanh Ba, Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tam Nông, Hạ Hòa, Đoan Hùng.
Hiện toàn tỉnh có 237 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 54 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 182 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Cùng với sự đồng hành hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các chủ thể OCOP đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc nỗ lực duy trì, phát triển sản phẩm. Trong đó, chất lượng là yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu.
Cùng với đó, tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm cũng như đầu tư trang thiết bị, cải tiến bao bì,... và để sản phẩm tiến xa hơn trên thị trường phải cải thiện các tiêu chí, lĩnh vực còn hạn chế, hướng đến nâng sao OCOP cho sản phẩm.
Chị Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Trà UT, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba cho biết: “Với sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành các điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Nâng sao cho sản phẩm sẽ là điều kiện thuận lợi để công ty chúng tôi mở rộng tiêu thụ và phát triển rộng ở thị trường nước ngoài, vì vậy chúng tôi luôn không ngừng cố gắng duy trì, hoàn thiện các tiêu chí để sản phẩm ngày càng nâng cao chất lượng”.
Tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có 368 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 303 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề, cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện phát triển sản phẩm. Tiến hành rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu, lựa chọn sản phẩm truyền thống, đặc trưng, sản phẩm bản địa... để phát triển sản phẩm OCOP.
Ngành Nông nghiệp chú trọng phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến để chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ chủ thể về hồ sơ thủ tục để tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn.
Đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Ngành Nông nghiệp luôn đồng hành cùng các chủ thể phát triển các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; chú trọng việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận cũng như nâng hạng sao cho sản phẩm có triển vọng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng các chủ thể trao đổi và xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm, xác định những chỉ tiêu còn có thể nâng điểm, nâng hạng và thực hiện các biện pháp, hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP”.
Thu Giang