Chỉ sau 6 năm triển khai chương trình, đến nay đã có đến 12.000 sản phẩm đạt chất lượng OCOP. Ảnh tư liệu
Chiếm trên 85% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại
Theo đánh giá của Bộ Công thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, sau 15 năm thực hiện đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay.
Chuyển biến thói quen và hành vi tiêu dùng
"Bộ Công thương tiếp tục phát huy hiệu quả việc triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động nhằm kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam. Tiếp tục vận động các sàn giao dịch thương mại điện tử như TikTok, Shopee... “xắn tay” tham gia vào tuyên truyền về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, mở các gian hàng Việt…" TS. Lê Việt Nga - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương
Đến nay, hàng Việt Nam hiện chiếm trên 85% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại; doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Cuộc vận động đã giúp nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam có những chuyển biến rõ nét; trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia phong trào.
Minh chứng cho sự thành công của cuộc vận động, TS. Lê Việt Nga - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, khi Uniqlo xuất hiện ở Việt Nam, chỉ có khoảng 20 - 25% là hàng Madein Vietnam. Nhờ cuộc vận động, đến năm nay, Uniqlo đã đạt 60% và phấn đấu đạt 70% hàng hóa Madein Vietnam được đưa vào hệ thống và xuất khẩu vào năm 2025.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, là doanh nghiệp dệt may vừa làm xuất khẩu vừa làm nội địa, May 10 ý thức được tầm quan trọng, vai trò của Cuộc vận động với thị trường trong nước. Với May 10, thị trường trong nước có vai trò như trụ đỡ nhất là những lúc thị trường xuất khẩu gặp khó. Nên ngay từ khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động, suốt 15 năm qua, May 10 luôn là đơn vị tiên phong tham gia hầu hết các hoạt động hưởng ứng.
Đưa Chương trình OCOP tham gia Cuộc vận động
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam". Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, cuộc vận động cần có những đổi mới cho phù hợp với xu thế thương mại điện tử và sản xuất xanh hiện.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, bà Tô Thị Bích Châu - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay và những dự báo cho thời gian tới, Việt Nam cần thực sự mạnh dạn, quyết liệt thay đổi phương thức triển khai thực hiện để Cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn nữa, thiết thực hơn nữa gắn với tình hình mới của đất nước và xu thế phát triển của toàn cầu.
Về giải pháp thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, TS. Lê Việt Nga đề xuất, trong thời gian tới, cuộc vận động sẽ lồng ghép thêm chương trình đưa sản phẩm, hàng hóa an toàn thực phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối hiện đại, thiết lập chuỗi cung ứng thực phẩm Việt an toàn.
“Tiếp sức cho cuộc vận động cần gắn với Chương trình OCOP - “Mỗi xã một sản phẩm”. Chỉ sau 6 năm triển khai chương trình đến nay đã có đến 12.000 sản phẩm đạt chất lượng OCOP, là những sản phẩm chất lượng, thấm đẫm giá trị văn hóa, lịch sử…Đây là những sản phẩm đã và tạo dựng được uy tín trên thị trường trong nước, bước đầu xuất khẩu thành công tại một số thị trường quốc tế” - TS. Lê Việt Nga hiến kế./.
Song Linh