Nâng tầm giá trị nông sản xứ Thanh (Bài 4): Mở rộng 'cánh cửa' xuất khẩu nông sản xứ Thanh

Nâng tầm giá trị nông sản xứ Thanh (Bài 4): Mở rộng 'cánh cửa' xuất khẩu nông sản xứ Thanh
3 giờ trướcBài gốc
Sản phẩm chả cá surimi của Công ty CP Sông Việt, thị xã Nghi Sơn, hiện đã đủ điều kiện và xuất khẩu đi Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và một số nước châu Âu.
Tạo uy tín từ chất lượng sản phẩm
Sản xuất dăm gỗ, ván ép là một trong những ngành hàng kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, với mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với những năm trước. Cụ thể, xuất khẩu dăm gỗ tăng 54,3%; ván ép tăng 15,2% so với năm trước. Có sự tăng trưởng này là nhờ tác động của các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu. Đồng thời, nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc cũng đã phục hồi tích cực sau những năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Là doanh nghiệp xuất khẩu ván ép lớn của huyện Triệu Sơn, Công ty TNHH Triệu Thái Sơn (xã Dân Lực) trung bình mỗi tháng xuất khẩu hơn 200 container ván ép đi các thị trường Mỹ, EU. Ông Phạm Đình Thắng, giám đốc công ty cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, sức mua của thị trường thế giới và trong nước đang có nhiều chuyển biến tích cực. Dù giá các sản phẩm gỗ ép tăng hơn 10% so với năm trước, nhưng nhờ tạo được uy tín bằng chất lượng các sản phẩm gỗ ép và bằng thời gian giao hàng đầy đủ, nên khách hàng vẫn chủ động tìm đến ký kết đơn hàng mới với doanh nghiệp. Cùng với đó, việc giá cước vận tải biển có xu hướng giảm dần là điều kiện thuận lợi để chúng tôi đẩy mạnh khai thác các đơn hàng, thị trường mới. Đến thời điểm này, sản lượng đơn hàng của công ty đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước".
Thanh Hóa hiện có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm nông sản. Trong đó, một số sản phẩm có sản lượng, giá trị kinh tế lớn như dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, cà chua, dứa đóng hộp, lợn sữa cấp đông, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, chả cá surimi, bột cá... Nông sản của tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, một số nước thuộc EU...
Để có đơn hàng xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản đã chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nhằm đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn, thị hiếu tiêu dùng trên thế giới. Điều này được thể hiện rõ tại Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), doanh nghiệp đã đầu tư máy móc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong tất cả các khâu sản xuất, từ đóng chai, dán nhãn đến ngâm ủ mắm... Nhờ vậy đã nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, quy cách đóng chai, được khách hàng ưa chuộng. Hiện tại, các sản phẩm mắm Lê Gia đang được bán tại hệ thống Siêu thị Winmart, Winmart+, Aeon, BigC/Top Market/Go, Co.op Mart, MM Mega market... và hệ thống phân phối trên toàn quốc. Đặc biệt, hai năm gần đây, một số sản phẩm mắm Lê Gia đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Sec, Hàn Quốc, Nam Phi, Pananma, Australia, Singapore...
Nhiều điểm nhấn tích cực
Thời gian qua, với nhiều chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được một số vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện đã có 79 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói được cấp mã, với diện tích 661,92ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Định, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Ngọc Lặc... Việc cấp mã số vùng trồng như “hộ chiếu” giúp nông sản Thanh Hóa có điều kiện tiếp cận thị trường các nước. Cùng với đó, toàn tỉnh cũng có hơn 400 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, bao gồm đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp sáng chế. Ngoài ra, còn có hàng chục sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Trong đó, có 4 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh, gồm mắm tôm Hậu Lộc, cói Nga Sơn, bưởi Luận Văn Thọ Xuân, quế ngọc Thường Xuân; 23 sản phẩm được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, nước mắm Khúc Phụ, tơ Hồng Đô, nón lá Trường Giang, bánh gai Tứ Trụ, kẹo nhãn Lang Chánh, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương Làng Ái...; hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản được chứng nhận nhãn hiệu. Qua đó, đã nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.
Sản phẩm ván ép xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa 9 tháng năm 2024 tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Thanh Hóa hiện có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm nông sản. Trong đó, một số sản phẩm có sản lượng, giá trị kinh tế lớn như dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, cà chua, dứa đóng hộp, lợn sữa cấp đông, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, chả cá surimi, bột cá... Nông sản của tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, một số nước thuộc EU... 9 tháng năm 2024, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi, tăng trưởng tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 240 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao như: dứa đóng hộp, dưa chuột đóng hộp tăng 57,5%; các mặt hàng cói tăng 22,4%; dăm gỗ tăng 54,3%; ván ép tăng 15,2%; ngao tăng 4,4%.
Để thúc đẩy xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các sản phẩm nông sản, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương liên quan tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu lâm sản, tinh bột sắn... đã chủ động tổ chức sản xuất, mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện cơ sở sản xuất để từng bước nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; nhạy bén trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Sở Công Thương tích cực kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hoạt động nhằm mở rộng, xúc tiến thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi; tăng cường thông tin, đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ các rào cản phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ xúc tiến thương mại nhằm kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản cũng rất quan tâm đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, đưa hàng hóa của tỉnh đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nghị định thư để đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng khai thác thị trường. “Tín hiệu vui” từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... Từ đó, góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng trên thị trường không chỉ trong nước mà còn vươn xa khắp các nước trên thế giới.
Bài và ảnh: Minh Hà
Bài cuối: Nơi kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/nang-tam-gia-tri-nong-san-xu-thanh-bai-4-mo-rong-canh-cua-xuat-khau-nong-san-xu-thanh-228265.htm