Gạo rươi Yên Hồ cũng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Đức Thọ được xem là “vựa lúa” của Hà Tĩnh cũng là địa phương tiên phong trong phát triển mô hình sản xuất gạo sạch trên ruộng rươi hết sức độc đáo. Những cánh đồng ven sông La của các xã ngoài đê của Đức Thọ, nơi nước lợ theo thủy triều dâng lên rươi lại xuất hiện. Theo đó, người dân 3 xã Bùi La Nhân, Quang Vĩnh và Yên Hồ có điều kiện để phát triển sản phẩm gạo rươi ngay trên những thửa ruộng này.
Sản xuất lúa gạo trên ruộng rươi nên người nông dân chỉ sử dụng phân chuồng không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV nên hạt gạo đạt chất lượng ngon và sạch
Nhận thấy tiềm năng đó, từ năm 2020, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã xây dựng mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi, cáy” tại 3 xã trên diện tích gần 100 ha với 502 hộ tham gia; trong đó: Yên Hồ 43,04 ha với 86 hộ; Bùi La Nhân 44,51 ha với 313 hộ; Quang Vĩnh 10,28 ha với 103 hộ. Để đưa gạo rươi trở thành sản phẩm chủ lực, huyện Đức Thọ đã thành lập một số doanh nghiệp, HTX sản xuất lúa hữu cơ cùng hệ thống cơ sở kinh doanh, phân phối sản phẩm gạo rươi Đức Thọ trên địa bàn trong và ngoài huyện.
Ông Võ Đình Thành ở thôn Quy Vượng, xã Yên Hồ cho hay: “Gia đình tôi sản xuất hơn 5ha lúa trên ruộng rươi. Năng suất đạt từ 2 - 2,5 tạ/sào. Về kỹ thuật sản xuất và chăm sóc, chúng tôi tuân thủ quy trình làm cỏ thủ công, bón phân chuồng, lúa trên ruộng rươi không có sâu bệnh nên không phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học nào. Giống lúa sử dụng để sản xuất cũng phải tuyển chọn kỹ càng”.
Sản xuất lúa để tạo ra hạt gạo trên ruộng rươi là một trong những mô hình sản xuất mới đưa lại hiệu quả rõ rệt và dần trở thành niềm cảm hứng cho nhiều địa phương khác của Hà Tĩnh. Mô hình đã và đang góp phần làm đổi mới tư duy sản xuất lúa gạo, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Sản xuất gạo trên ruộng rươi, người dân chủ yếu sử dụng các loại giống lúa có chất lượng cao kháng được sâu bệnh như: ST 24, ST25, VNR 20.
Ông Phạm Hải Thăng - Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Thần Nông xã Bùi La Nhân cho biết: “Ngoài giá trị về chất lượng, gạo rươi Đức Thọ có mức giá khá cao - gấp 2 lần so với các loại gạo thông thường. Khi đã qua chế biến, đóng gói bao bì, nhãn mác, gạo rươi bán ra với giá 35.000 đồng/kg. Tính ra năng suất, giá trị, mỗi ha gạo rươi thu về từ 80 - 90 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ tốt nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đó”.
Gạo rươi Đức Thọ có những đặc tính riêng, không thể nhầm lẫn với các loại gạo khác. Hạt gạo nhỏ, màu trắng đục và mùi thơm tự nhiên, là những đặc điểm dễ nhận biết của gạo rươi. Khi nấu, cơm gạo rươi mềm, dẻo và có độ kết dính cao, vị ngọt tự nhiên khiến món cơm thêm phần hấp dẫn. Điều này là nhờ vào quy trình canh tác tự nhiên, không sử dụng phân hóa học hay thuốc trừ sâu, mang đến sản phẩm hoàn toàn an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Hạt gạo ruộng rươi nhỏ, màu trắng đục và mùi thơm tự nhiên.
Với những ưu điểm vượt trội trong thực tế, ngày 20/12/2024, gạo rươi Đức Thọ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu: "Gạo rươi Đức Thọ". Đây là động lực để doanh nghiệp và bà con nông dân Đức Thọ đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ cho biết: “Gạo rươi Đức Thọ được cấp chứng nhận nhãn hiệu là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong việc phát triển nông sản đặc trưng của địa phương. Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là bảo vệ và phát huy giá trị sản phẩm gạo rươi, đồng thời giúp sản phẩm này vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, huyện sẽ xây dựng các quy trình sản xuất, chế biến đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng gạo rươi từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ".
Đức Phú