Nâng tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới: việc quan trọng góp phần giảm ô nhiễm

Nâng tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới: việc quan trọng góp phần giảm ô nhiễm
2 giờ trướcBài gốc
Đây là việc quan trọng góp phần giảm ô nhiễm môi trường, vì vậy, những vấn đề xung quanh việc nâng tiêu chuẩn khí thải đang được các bộ, ngành và dư luận quan tâm nhằm bảo đảm sự phù hợp khi áp dụng vào thực tiễn.
Bảo đảm khả thi, phù hợp
Theo Bộ GTVT, việc áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới thời gian qua đã góp phần hạn chế mức độ gia tăng phát thải chất ô nhiễm không khí, cải thiện môi trường tại các đô thị; ngăn ngừa, hạn chế công nghệ, phương tiện cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường thâm nhập vào Việt Nam.
Trong dự thảo Quyết định quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp, Bộ GTVT đề xuất, áp dụng mức 2, 3, 4, 5 đối với xe nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp (quy định tương ứng với các mức tiêu chuẩn khí thải Euro của Ủy ban Kinh tế châu Âu, Liên Hợp quốc và Chỉ thị của Liên minh châu Âu về phê duyệt kiểu loại xe cơ giới).
Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Mức tiêu chuẩn khí thải 1, 2, 3, 4 áp dụng đối với xe nhập khẩu đã qua sử dụng là các mức giới hạn thành phần gây ô nhiễm trong khí thải quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 và sửa đổi 01:2021 TCVN 6438:2018 - Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải. Mức tiêu chuẩn khí thải bằng "0" là mức thể hiện khí thải phát sinh từ động cơ của xe cơ giới không có các chất gây ô nhiễm đã được quy định ở trên.
Lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp được quy định cụ thể cho từng loại xe. Trong đó, đối với xe ô tô nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 từ ngày 1/1/2025. Xe gắn máy hai bánh nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 2 từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Xe mô tô hai bánh nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Xe mô tô hai bánh, xe gắn máy hai bánh nhập khẩu mới và sản xuất, lắp ráp áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1/1/2026.
Các loại xe như: xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ; xe mô tô ba bánh, xe gắn máy ba bánh nhập khẩu mới, sản xuất và lắp ráp áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải bằng "0" từ 1/1/2026. Đối với xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 1/1/2025; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ đã qua sử dụng nhập khẩu áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải bằng "0" từ ngày 1/1/2026.
Về việc nâng tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, đối với sản phẩm xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, việc áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã mang lại hiệu quả tích cực về việc giảm phát thải, thông qua việc cải tiến công nghệ động cơ, kết cấu hệ thống xử lý khí thải trên xe. Nhờ đó, chất lượng khí thải của xe cơ giới sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới; xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu đã được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của xe điện đã, đang và sẽ góp phần mạnh mẽ làm giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ môi trường.
Đối với xe ô tô, hiện tại Việt Nam đang áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5, là top đầu của ASEAN, chỉ sau Singapore - nước không có ngành công nghiệp xe cơ giới là phù hợp. Về xe gắn máy, một số nước ASEAN trước đây khi nâng mức khí thải lên Euro 4 thì đa phần không còn sản xuất xe gắn máy. Trong bối cảnh xe điện hai bánh đang phát triển nhanh chóng về số lượng và tương lai sẽ tiến tới chuyển đổi thẳng lên xe điện; việc giữ nguyên tiêu chuẩn khí thải mức 3 đối với xe gắn máy là phù hợp.
Thực hiện từng bước
Góp ý về việc ngăn chặn phương tiện xả thải ra môi trường, Cục Đăng kiểm đề xuất Bộ GTVT siết chặt vùng hoạt động của các phương tiện đang áp dụng tiêu chuẩn mức 1 (có đánh dấu trên tem). Như vậy, các phương tiện trong diện này sẽ không được vào nội đô TP lớn và giảm chu kỳ kiểm định phương tiện.
Theo kế hoạch, sắp tới Hà Nội sẽ là 1 trong những địa phương ban hành và thực hiện sớm lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải, trong đó có việc hạn chế phương tiện tại vùng phát thải thấp. Theo đó, các phương tiện giao thông hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí. Anh Lê Văn Thao (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Việc ngăn chặn phương tiện xả thải ra môi trường là cần thiết và tôi rất đồng tình ủng hộ, nhưng cần phải thực hiện từng bước. Trong đó, cần tính đến các phương án đối với phương tiện xả thải ra môi trường bao gồm cả việc kiểm soát, hạn chế và các giải pháp để không làm đứt gãy chuỗi kết nối giao thông do phần lớn dân lao động tại Thủ đô vẫn có nhu cầu đi lại bằng phương tiện cũ”.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải là việc chắc chắn phải làm và làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, TP cần có chính sách thay thế xe máy cũ không bảo đảm an toàn giao thông và ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi phương tiện phát thải thấp đối với các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng hạn chế phát thải, như vậy, việc thực hiện sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, một việc khác cần tính đến là hệ thống giao thông công cộng tại nước ta còn hạn chế, chỉ có ở các tuyến đường lớn, rất khó cho người dân ở trong ngõ ngách, khu đông dân cư nên rất cần đẩy mạnh xã hội hóa quy hoạch, xây thêm các tuyến tàu điện, xe bus điện, xe mini bus đi vào ngõ nhỏ. Việc này là cần thiết để khi hạn chế phương tiện không làm ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thương của người dân.
Với việc chuyển đổi phương tiện xanh, một tín hiệu đáng mừng là theo khảo sát người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 của PwC (Công ty PricewaterhouseCoopers), có đến 85% người dùng Việt Nam sẽ cân nhắc việc mua xe hybrid (xe kết hợp giữa hai bộ truyền động, bao gồm một động cơ chạy bằng xăng và một mô tơ chạy bằng điện) hoặc xe điện trong 3 năm tới. Con số này cho thấy, mặc dù thị trường xe xanh tại Việt Nam khá mới mẻ, nhưng nhận thức về bảo vệ môi trường và giảm phát thải đã bắt đầu tác động đến quyết định tiêu dùng cá nhân.
Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng khiến người dân tìm đến xe điện và hybrid như một giải pháp thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải CO₂ và tiết kiệm chi phí vận hành. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, tỷ lệ xe “xanh” nâng cao cũng đồng nghĩa với việc phát thải ô nhiễm trong tương lai sẽ giảm đi đáng kể.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải phù hợp, thống nhất giữa Luật Đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, nhất quán với Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metal của ngành GTVT và thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đưa mức phát thải ròng về "0" năm 2050.
Mai Chi
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nang-tieu-chuan-khi-thai-xe-co-gioi-viec-quan-trong-gop-phan-giam-o-nhiem.html