Não người phân biệt thực hư ra sao?

Não người phân biệt thực hư ra sao?
8 giờ trướcBài gốc
Không chỉ những giấc mơ sống động, đầy xúc cảm và đậm chất điện ảnh mới là ảo giác. Con người rất dễ gặp phải "ảo tượng" mà mình không ý thức được, theo Adam Zeman - tác giả cuốn sách The Shape of Things Unseen: A New Science of Imagination (tạm dịch: Dáng hình của điều chưa thấy: Khoa học mới về trí tưởng tượng).
Minh họa: Tranh Eye in the Egg của Ülo Ilmar Sooster. Ảnh: Obelisk Art History.
Tri giác cũng là tưởng tượng
Qua một khảo sát, khoảng 80% người vừa trải qua mất mát cho biết họ gặp lại người thân đã khuất: thường là cảm giác sống động về sự hiện diện của họ, nhưng một số người thậm chí nghe thấy, nhìn thấy hoặc trò chuyện với họ.
60% người mất thị lực khi trưởng thành nhìn thấy những thứ không có ở đó, đôi khi là những hình ảnh khoa trương như "hai thanh niên ... khoác áo choàng lộng lẫy ... đội mũ ... viền bạc". Đây được gọi là hội chứng Charles Bonnet.
Một phụ nữ 20 tuổi bị bịt mắt trong 12 giờ nhìn thấy "thành phố, bầu trời, kính vạn hoa, sư tử và hoàng hôn sáng đến mức cô 'gần như không thể nhìn vào'". Sau khi mất một chi, hầu hết mọi người đều mang trong mình "bóng ma về phần cơ thể bị mất, thường trực hoặc không". Weir Mitchell, nhà thần kinh học người Mỹ, đặt ra thuật ngữ "chi ma" sau khi nghiên cứu 90 trường hợp từ cuộc nội chiến Mỹ.
Phi công trên những chuyến bay dài, lữ khách đi qua bão tuyết và sa mạc, tù nhân và con tin bị giam giữ trong bóng tối: Não bộ của họ khôn nguôi nghĩ về những thứ họ đã bị tước đoạt.
Ngoài thị giác, các giác quan khác cũng tạo ra ảo giác mạnh mẽ. Khoảng 10% trong số chúng ta từng nghe thấy giọng nói tưởng chừng đến từ bên ngoài nhưng thực ra do chính mình tạo ra, và 1% gặp hiện tượng này thường xuyên.
Tâm trí và bộ não hợp tác thế nào để tạo ra những trải nghiệm lừa phỉnh này? Nghiên cứu về ảnh tượng có chủ ý - (người tham gia được yêu cầu “hình dung một quả táo trong tâm trí”) - và về ảo giác cho thấy cả hai có chung cơ chế: kích hoạt các vùng cảm giác trong não.
Điều này cũng diễn ra khi ta thực sự tri giác thế giới xung quanh. Tương đồng này mang một hàm ý sâu sắc: tri giác thực chất cũng là một dạng hành vi tưởng tượng. Tri giác phụ thuộc nhiều vào kiến thức có sẵn - những mô hình nội tại, tỉ mỉ về thế giới - hơn ta thường nghĩ.
Ý tưởng xa xưa này được củng cố bởi quan điểm từ tâm lý học rằng dự đoán đóng vai trò quan trọng trong tri giác, và nhờ bằng chứng từ thần kinh học rằng trải nghiệm của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động của bộ não - vốn tiêu thụ một lượng lớn đường và oxy.
Nói cách khác, tri giác ít mang tính "từ ngoài vào trong" hơn ta tưởng, mà chủ yếu là "từ trong ra ngoài". Nếu tri giác quả thật là một dạng ảo giác, thì vấn đề đặt ra là: Làm sao để phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế?
Tạo ra và kiểm chứng tưởng tượng
Con người có thể nhầm lẫn giữa tưởng tượng với hiện thực, thường chỉ thoáng qua. Nhưng đôi khi, như trường hợp loạn thần, sự nhầm lẫn kéo dài. Ngược lại, hiệu ứng “Perky” cho thấy con người có thể không nhận ra rằng những vật họ tưởng tượng thực chất đang trình ra trước mắt họ.
Tuy vậy, phần lớn thời gian bộ não chúng ta vẫn đưa ra được kết luận đúng. Có một số nguyên tắc chung để phân biệt thực hư. Ví dụ, trải nghiệm sống động, chi tiết, dễ dàng xuất hiện và nhất quán với bối cảnh thường cho thấy đó là thực tế. Nhưng không phải điều này luôn đúng.
Một giấc mơ đã giúp Dmitri Mendeleev xây dựng bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Ảnh: studio4art/Freepic.
Đôi khi mộng tưởng cũng sống động và dễ dàng xuất hiện; còn tìm lối trong màn sương dày lại rất khó khăn, tạo ra trải nghiệm mờ ảo. Dẫu vậy, bộ não vẫn biết cách đánh giá và thường đưa ra câu trả lời chính xác.
Nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cung cấp một số gợi ý thú vị về cách não bộ phân biệt thực hư.
Trong mô hình “đối kháng tạo sinh” (generative adversarial models), hai yếu tố kết hợp để học hỏi về thế giới: “tạo sinh” cố gắng dự đoán thế giới chính xác nhất có thể, còn “đối kháng” làm nhiệm vụ phân biệt xem đầu vào là thực hay chỉ là sản phẩm của tạo sinh. Hai mô hình này liên tục nâng cao kỹ năng: tạo sinh ngày càng tinh vi hơn trong việc tạo ra thực tại giả, đối kháng liên tục cải thiện khả năng nhận diện thật - giả.
Quá trình tương tự có thể diễn ra trong não bộ chúng ta. Phần “đối kháng” chịu trách nhiệm kiểm tra thực tại do vùng thùy trán lớn điều khiển: vùng 10, ở đầu vỏ não trước trán, đặc biệt hoạt động mạnh khi ta phải quyết định xem một vật thể là thật hay do tưởng tượng. Khu vực này nhỏ hơn và ít hoạt động hơn ở những người loạn thần, đặc biệt là những ai bị ảo giác.
Vậy là vùng tiến hóa cao nhất trong não bộ con người lại đảm nhận nhiệm vụ “siêu nhận thức” quan trọng: phân biệt tưởng tượng với thực tế. Nhưng điều đó không có nghĩa những tưởng tượng này không thể là nguồn cảm hứng mạnh mẽ.
Nhà hóa học Friedrich Kekulé kể ông phát hiện cấu trúc vòng của phân tử benzen sau khi mơ thấy một con rắn “tự cắn đuôi mình”. Một giấc mơ đã giúp Dmitri Mendeleev xây dựng bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Einstein cũng tưởng tượng diện mạo vũ trụ nếu ta di chuyển trên một chùm ánh sáng. Nhà văn Malcolm Bradbury từng nói: “Mọi nhà văn đều nghe thấy những giọng nói. Buổi sáng bạn thức giấc với những giọng nói ấy… và cố gắng nắm giữ trước khi chúng biến mất”.
Các quá trình chồng chéo nhau trong bộ não năng động giúp chúng ta tri giác, tưởng tượng và sáng tạo. Chúng ta cần biết đâu là đâu - nhưng như Kekulé đã khuyên: “Hãy học cách mơ, thưa quý vị, và có lẽ chúng ta sẽ học được sự thật”.
Phong Khang
Nguồn Znews : https://znews.vn/nao-nguoi-phan-biet-thuc-hu-ra-sao-post1533814.html