NASA ghi lại cảnh 'quỷ bụi' lớn nuốt chửng cơn lốc nhỏ trên sao Hỏa

NASA ghi lại cảnh 'quỷ bụi' lớn nuốt chửng cơn lốc nhỏ trên sao Hỏa
8 ngày trướcBài gốc
Ngày 25.1, vào ngày sol thứ 1.399 trong nhiệm vụ của mình, robot tự hành hiện đại của NASA Perseverance đã ghi hình một hiện tượng kỳ thú: một cơn lốc bụi lớn đang di chuyển từ trái sang phải trên bề mặt sao Hỏa bất ngờ hút trọn một cơn lốc nhỏ hơn đi ngay phía sau. Khi đó, tàu thám hiểm đang ở cách vị trí diễn ra hiện tượng ấy khoảng 1km.
Theo Live Science, cơn lốc bụi lớn có đường kính khoảng 65m, trong khi cơn lốc nhỏ chỉ rộng khoảng 5m. Tuy độ cao chính xác chưa được xác định do bị khuất khỏi khung hình, nhưng với kích thước tương đương, một cơn lốc bụi trước đó từng được ghi nhận có thể cao tới 2km - gấp 5 lần chiều cao của tòa nhà Empire State 102 tầng tại New York, Mỹ.
Robot tự hành Perseverance của NASA đã quay được cảnh một cơn lốc bụi nhỏ (phía trước bên trái) đuổi kịp một cơn lốc bụi lớn hơn (bên phải) và hợp nhất thành một cơn lốc xoáy duy nhất vào ngày 25.1 - Ảnh: NASA
Khi lốc bụi cuốn theo lốc bụi
“Các xoáy đối lưu hay còn gọi là lốc bụi có thể rất mạnh mẽ. Chúng di chuyển khắp bề mặt sao Hỏa, cuốn theo bụi và gây mờ tầm nhìn trong khu vực xung quanh”, Mark Lemmon - nhà khoa học cấp cao trong dự án Perseverance tại Viện Khoa học không gian Mỹ cho biết.
Ông tiết lộ hiện tượng hai cơn lốc bụi va chạm nhau là rất hiếm. Khi điều đó xảy ra, một trong hai kịch bản có thể diễn ra: hoặc chúng triệt tiêu lẫn nhau, hoặc một cơn lốc mạnh hơn sẽ hợp nhất và “nuốt chửng” cơn còn lại. Trong video mới được NASA ghi lại, tình huống thứ 2 đã xảy ra.
“Cơn lốc nhỏ dường như đã bị hút vào vòng xoáy lớn. Nhưng cũng có thể an ủi phần nào rằng cơn lốc lớn ấy chỉ tồn tại thêm vài phút trước khi tự tan biến. Hầu hết các cơn lốc bụi trên sao Hỏa chỉ kéo dài khoảng 10 phút”, ông Lemmon nói thêm.
Tốc độ quay của những hiện tượng này có thể lên tới hơn 16km/giờ, đủ để nâng bụi mịn lên cao và lan rộng trong khí quyển sao Hỏa.
Giống như trên Trái đất, lốc bụi trên sao Hỏa được hình thành khi ánh nắng Mặt trời làm nóng bề mặt hành tinh, khiến không khí sát mặt đất ấm lên và bốc lên cao. Lúc này, lớp không khí lạnh bên trên sẽ di chuyển xuống thay thế, sau đó cũng bị làm nóng và cuốn theo vòng tuần hoàn đó.
Quá trình này tạo ra một cột khí đối lưu chuyển động đi lên, bắt đầu quay quanh trục. Khi tốc độ quay tăng nhanh - giống như một vận động viên trượt băng kéo tay sát vào người để xoay nhanh hơn - cơn lốc bụi hình thành và có thể cuốn theo bụi mịn từ mặt đất, tạo thành một cột xoáy rõ nét trên bề mặt hành tinh đỏ.
“Không khí xoáy vào trong cuốn theo các hạt bụi nhỏ, tạo nên hiện tượng mà chúng ta gọi là lốc bụi”, NASA giải thích trong thông cáo báo chí.
Mắt thấy tai nghe về khí hậu sao Hỏa
Khoảnh khắc lốc bụi va chạm được ghi lại nhờ vào chiến lược chủ động của nhóm điều khiển Perseverance. Khi đó, tàu tự hành đang quét camera ngang đường chân trời để tìm kiếm các cơn lốc bụi - một phần trong nhiệm vụ thu thập dữ liệu khí hậu phục vụ nghiên cứu dài hạn.
Cơn lốc bụi khác được Perseverance chụp vào ngày 30.8.2023 - Ảnh: NASA
“Các cơn lốc bụi đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành thời tiết trên sao Hỏa”, Katie Stack Morgan – nhà khoa học dự án tại Phòng thí nghiệm động cơ phản lực (JPL) của NASA chia sẻ.
Theo bà, nghiên cứu các hiện tượng này giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tốc độ và hướng gió, cũng như lượng bụi có trong khí quyển. Thực tế, lốc bụi được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 50% lượng bụi lơ lửng trên sao Hỏa - một yếu tố ảnh hưởng mạnh đến năng lượng mặt trời, nhiệt độ và cả hoạt động của thiết bị thăm dò.
Hành trình hơn 40 năm quan sát lốc bụi
Hiện tượng lốc bụi trên sao Hỏa không mới. Vào những năm 1970, các tàu Viking của NASA đã lần đầu tiên chụp được hình ảnh những cột xoáy bụi từ quỹ đạo - khởi đầu cho hành trình khám phá bầu khí quyển hành tinh đỏ.
Tuy nhiên, chính Perseverance đã mang đến những dữ liệu hình ảnh và âm thanh chân thực nhất từ trước đến nay. Vào tháng 7.2021, tàu đã ghi hình một “đàn” gồm gần một chục cơn lốc bụi di chuyển đồng thời trên bề mặt sao Hỏa. Đến tháng 9 cùng năm, Perseverance tiếp tục ghi lại âm thanh đầu tiên của một cơn lốc bụi trên sao Hỏa - mở ra một kỷ nguyên mới trong việc “nghe” và phân tích hiện tượng khí quyển ngoài Trái đất.
Lốc bụi là nguyên nhân tạo ra khoảng một nửa lượng bụi lơ lửng trong bầu khí quyển của sao Hỏa - Ảnh: Getty
Perseverance được trang bị hệ thống camera độ phân giải cao cùng micro nhạy, cho phép không chỉ quan sát hình ảnh mà còn ghi lại âm thanh như tiếng gió rít và bụi va vào thiết bị, mang đến trải nghiệm sinh động cho cả nhà khoa học lẫn công chúng.
Hiểu rõ cơ chế của lốc bụi không chỉ giúp dự báo thời tiết chính xác hơn, mà còn hỗ trợ thiết kế các sứ mệnh thám hiểm trong tương lai, gồm cả việc đưa con người đến sao Hỏa. Khả năng dự đoán và thích ứng với thời tiết là yếu tố sống còn cho các tàu đổ bộ, thiết bị tự hành, cũng như các trạm nghiên cứu có thể được xây dựng trên hành tinh này.
Thú vị hơn, lốc bụi đôi khi lại vô tình giúp ích. Trong quá khứ, các cơn lốc đã "lau sạch" bụi bám trên tấm pin năng lượng mặt trời của tàu thám hiểm Spirit và Opportunity - kéo dài thời gian hoạt động của chúng đáng kể.
Cảnh tượng “quỷ bụi” lớn nuốt chửng cơn lốc nhỏ không chỉ là khoảnh khắc hiếm hoi của khí hậu sao Hỏa, mà còn là minh chứng cho khả năng quan sát ngày càng tinh vi của công nghệ khám phá vũ trụ. Với mỗi đoạn video, mỗi âm thanh thu được từ Perseverance, nhân loại lại tiến một bước gần hơn đến việc giải mã những bí ẩn của hành tinh đỏ - nơi có thể trở thành ngôi nhà thứ hai của con người trong tương lai không xa.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nasa-ghi-lai-canh-quy-bui-lon-nuot-chung-con-loc-nho-tren-sao-hoa-231393.html