NASA 'hồi sinh' thành công tàu cách Trái Đất 25 tỷ km

NASA 'hồi sinh' thành công tàu cách Trái Đất 25 tỷ km
6 giờ trướcBài gốc
Đây được xem là chiến thắng kỹ thuật từ khoảng cách xa nhất mà con người từng can thiệp thành công vào một thiết bị không gian, và là bước đi then chốt nhằm đảm bảo Voyager 1 tiếp tục duy trì liên lạc với Trái Đất.
Voyager 1 - phóng lên từ năm 1977 - hiện đã hoạt động thêm 4 thập kỷ so với kế hoạch ban đầu. Việc bảo dưỡng một tàu vũ trụ có "tuổi đời" gần nửa thế kỷ, đang trôi dạt ngoài không gian ở khoảng cách hơn 25 tỷ km so với Trái Đất, quả thật là một thử thách không tưởng.
Tàu thăm dò Voyager 1 được phóng vào ngày 5/9/1977. Ảnh: NASA.
Thông báo từ Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA hôm 14/5 cho biết vào hồi tháng 3, nhóm kỹ sư đã tái khởi động được các động cơ quay chính (primary roll thrusters) của Voyager 1. Đây là hệ thống giúp tàu giữ hướng thẳng hàng với một ngôi sao dẫn đường. Ngôi sao này đóng vai trò như “điểm neo định hướng” để đảm bảo ăng-ten tín hiệu vẫn hướng về Trái Đất.
Các động cơ này đã ngừng hoạt động từ năm 2004 sau khi bộ sưởi bên trong mất điện. Từ đó đến nay, Voyager 1 phải chuyển sang dùng bộ đẩy phụ. Tuy nhiên, bộ dự phòng này đang có dấu hiệu xuống cấp do cặn tích tụ trong ống dẫn nhiên liệu - nguy cơ khiến nó ngừng hoạt động hoàn toàn vào mùa thu năm nay.
Nếu Voyager 1 mất hoàn toàn khả năng điều chỉnh hướng bay, nó sẽ trôi dạt ngoài không gian và mất liên lạc vĩnh viễn với Trái Đất.
Tình hình trở nên cấp bách hơn khi DSS-43, đĩa ăng-ten duy nhất trên Trái Đất có đủ công suất để gửi lệnh đến Voyager, hiện đang tạm ngưng nâng cấp cho đến tháng 2/2026. Ngoài hai “cửa sổ” liên lạc ngắn ngủi vào tháng 8 và tháng 12, NASA không còn cơ hội nào để điều chỉnh Voyager từ xa trong thời gian tới.
Đứng trước nguy cơ mất kiểm soát tàu mãi mãi, nhóm kỹ sư tại JPL đã quyết định thử khởi động lại chính bộ đẩy từng “chết” từ năm 2004 - một nước cờ mạo hiểm, nhưng là lựa chọn duy nhất.
Họ suy đoán rằng nếu hệ thống sưởi không hỏng mà chỉ bị vô hiệu bởi sự cố mạch điện, thì bộ phận này có thể khởi động lại. Kế hoạch là cấp điện cho hệ thống sưởi, sau đó để Voyager 1 trôi lệch khỏi sao dẫn đường đủ xa, khiến hệ thống tự động kích hoạt các động cơ để hiệu chỉnh lại hướng bay. Nếu thành công, hệ thống sưởi và các bộ đẩy chính sẽ hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, nếu bộ sưởi vẫn “chết” và động cơ tự bắn khi đang lạnh, có thể sẽ gây ra một vụ nổ nhỏ. Mà Voyager 1 đang ở xa đến mức tín hiệu cần hơn 23 tiếng để truyền về Trái Đất. Nhóm kỹ sư sẽ phải chờ cả ngày trời mới biết liệu nỗ lực của họ có khiến tàu nổ tung hay không.
Mô hình tàu vũ trụ Voyager. Ảnh: NASA.
Kết quả, may mắn đã đứng về phía họ. Khi tín hiệu từ Voyager trở lại, các chỉ số cho thấy bộ đẩy chính đã hồi sinh thành công.
"Chúng tôi từng cho rằng các động cơ này đã hoàn toàn hỏng. Nhưng một kỹ sư trong nhóm đã nảy ra giả thuyết: có thể nguyên nhân khác gây ra sự cố. Nhờ vậy mà chúng tôi đã sửa được nó. Một ‘pha cứu thua’ kỳ diệu nữa cho Voyager", Todd Barber, phụ trách hệ thống đẩy của Voyager, chia sẻ.
Trong suốt hơn 47 năm hành trình ngoài vũ trụ, Voyager 1 đã nhiều lần rơi vào tình trạng nguy kịch, từ việc truyền dữ liệu sai, tắt dần các thiết bị do thiếu năng lượng, cho đến hàng loạt vấn đề về định hướng. Nhưng bằng những nỗ lực kiên trì, con tàu nhỏ bé ấy vẫn tiếp tục bám trụ nơi rìa của không gian liên sao.
Một ngày nào đó, Voyager 1 và cả người anh em Voyager 2 sẽ ngừng hoạt động - khép lại "đôi mắt" nhân tạo xa nhất mà con người từng đặt ra ngoài vũ trụ. Nhưng ngày đó vẫn chưa đến, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Hoài An
Nguồn Znews : https://znews.vn/nasa-hoi-sinh-thanh-cong-tau-cach-trai-dat-25-ty-km-post1553567.html