Ảnh minh họa.Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng vào năm 2018, Parker Solar Probe đã thực hiện hành trình xuyên qua vầng nhật hoa - lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời mà con người chỉ có thể quan sát trong những lần xảy ra nhật thực toàn phần.
Trong ngày 24/12, tàu này dự kiến thiết lập cột mốc đáng chú ý khi vượt qua khoảng cách kỷ lục chỉ còn 6 triệu km so với bề mặt Mặt Trời. Joe Westlake, một chuyên gia từ NASA, chia sẻ: “Để dễ hình dung, nếu coi Mặt Trời và Trái Đất nằm ở hai đầu của một sân bóng bầu dục, thì Parker sẽ chỉ cách Mặt Trời khoảng 3,6 m”.
Tuy vậy, nhóm điều hành sứ mệnh sẽ phải chờ thêm vài ngày sau chuyến bay để nhận được tín hiệu, bởi khi ở khoảng cách gần nhất, tàu sẽ nằm ngoài tầm liên lạc.
Tàu vũ trụ này được chế tạo để đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt nhất. Parker Solar Probe tiếp cận Mặt Trời gần hơn ít nhất 7 lần so với bất kỳ tàu vũ trụ nào trước đây. Ở khoảng cách gần nhất, tàu di chuyển với tốc độ 690.000 km/h, trở thành vật thể nhân tạo bay nhanh nhất từng được chế tạo. Để bảo vệ hệ thống bên trong, tàu được trang bị lá chắn nhiệt có thể chịu được nhiệt độ lên tới 1.371 độ C, đủ để làm tan chảy nhiều loại kim loại thông thường.
Không chỉ là kỳ tích trong công nghệ vũ trụ, sứ mệnh của Parker Solar Probe còn hứa hẹn mở ra những hiểu biết mới về Mặt Trời, chẳng hạn vì sao vầng nhật hoa có nhiệt độ cao hơn bề mặt Mặt Trời hàng trăm lần hay nguyên nhân nào tạo ra gió Mặt Trời – luồng hạt tích điện tốc độ cao gây ảnh hưởng đến từ trường và khí hậu không gian gần Trái Đất.
Những vấn đề này không chỉ mang ý nghĩa lý thuyết mà còn có giá trị thực tiễn lớn. Các cơn bão Mặt Trời mạnh mẽ có khả năng làm gián đoạn liên lạc vô tuyến, gây ảnh hưởng đến mạng lưới điện và hoạt động của các vệ tinh trong quỹ đạo.
Ngôi sao này, dù là nguồn sống của Trái Đất, cũng trải qua chu kỳ hoạt động 11 năm, bao gồm giai đoạn bùng phát cực đại. Hiện nay, sự gia tăng hoạt động của Mặt Trời đã tạo ra những dải cực quang rực rỡ tại nhiều nơi trên hành tinh.
Westlake so sánh rằng: “Mặt Trời là người hàng xóm gần gũi, thân thiện nhất, nhưng đôi khi cũng có những lúc nổi giận”.
Theo dự kiến, Parker Solar Probe sẽ tiếp tục quay quanh Mặt Trời ở khoảng cách gần này ít nhất đến tháng 9/2025. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng tàu sẽ mang về thêm nhiều dữ liệu quan trọng để hiểu rõ hơn về cấu tạo và bản chất của ngôi sao quan trọng nhất trong hệ Mặt Trời.
Linh Chi (t/h)