NATO chuẩn bị cho kịch bản Mỹ giảm vai trò trong viện trợ Ukraine

NATO chuẩn bị cho kịch bản Mỹ giảm vai trò trong viện trợ Ukraine
một ngày trướcBài gốc
NATO chuẩn bị cho kịch bản Mỹ giảm vai trò hỗ trợ Ukraine
Trong một cuộc họp kín với các đối tác vào 17/10 tại NATO, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói về cuộc bầu cử sắp tới để trả lời các câu hỏi của đồng minh về sự kiện này cũng như cách nó có thể tác động đến viện trợ cho Ukraine. Bộ trưởng Austin cho biết ông không thể dự đoán tương lai nhưng vẫn có sự ủng hộ từ lưỡng đảng đối với Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Ảnh: Reuters
Các quan chức NATO cho biết họ đang chuẩn bị cho kịch bản Mỹ đảm nhận vai trò ít hơn.
"Chúng ta không thể mong đợi Mỹ sẽ tiếp tục đảm nhiệm một gánh nặng quá lớn" trong việc hỗ trợ Ukraine, một quan chức NATO cho hay ngày 17/10. Theo ông, đó là "lý do tại sao Tổng thư ký NATO muốn liên minh này dẫn đầu về hỗ trợ an ninh thay vì để một đồng minh đảm nhiệm việc đó".
"Châu Âu cần phải hành động nhiều hơn", quan chức này nói thêm.
Khả năng chiến thắng của ông Trump đã khiến tương lai viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị đặt câu hỏi. Tháng trước, cựu Tổng thống Trump từ chối nói liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột hay không và mô tả Tổng thống Volodymyr Zelensky là "một người bán hàng", người mà "lẽ ra không bao giờ nên để cuộc xung đột đó bắt đầu".
Đối với một số quan chức, thời điểm này không thể tệ hơn.
"Tôi rất lo lắng. Lạc quan không phải là từ tôi dùng để mô tả tình hình ở Ukraine hiện nay", quan chức NATO này nói.
Nga vẫn tiếp tục đạt được những thành quả chiến thuật nhỏ bên trong Ukraine, đồng thời áp đảo Kiev với tỷ lệ khai hỏa là 3:1 trên chiến trường và duy trì lợi thế "đáng kể" về lực lượng cũng như đạn dược trước khi bước vào những tháng mùa đông khắc nghiệt. Tổng thống Joe Biden vẫn phản đối việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga - một chính sách mà nhiều quan chức NATO không đồng tình.
Bộ trưởng Austin ngày 18/10 cho rằng UAV giá rẻ do Ukraine tự sản xuất phù hợp để tiêu diệt các mục tiêu bên trong nước Nga hơn là các tên lửa dẫn đường chính xác đắt đỏ. Ông cho rằng: "Các UAV đã chứng minh được tính hiệu quả và chính xác cao”.
Xây dựng năng lực dài hạn cho Ukraine
Nói rộng hơn, sự không chắc chắn về vai trò tương lai của Mỹ phần lớn đã thúc đẩy NATO củng cố quyền lực đối với việc huấn luyện quân đội Ukraine, cũng như cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước này, đồng thời trao cho châu Âu nhiều quyền kiểm soát hơn nếu Mỹ quyết định hạn chế hoặc dừng hỗ trợ Ukraine dưới thời chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, cơ chế đó, được gọi là Hỗ trợ An ninh và Huấn luyện của NATO cho Ukraine vẫn chưa hoạt động đầy đủ và điều đó sẽ tiếp diễn trong nhiều tháng tới, một quan chức NATO khác cho biết hôm 18/10.
Trong khi đó, các quốc gia châu Âu đang cố gắng tăng cường sản xuất vũ khí và thiết bị quan trọng, không chỉ để duy trì viện trợ cho Ukraine nếu Mỹ rút hỗ trợ mà còn để đảm bảo an ninh của chính họ trước mối đe dọa từ Nga.
Cựu Tổng thống Trump hồi đầu năm nay đã nói với một quốc gia thành viên NATO rằng Mỹ sẽ không bảo vệ họ khỏi Nga nếu họ không đáp ứng các hướng dẫn chi tiêu của NATO và rằng ông sẽ "khuyến khích Nga làm bất kỳ điều gì họ muốn".
Một kế hoạch của EU và G7 nhằm giúp đảm bảo nguồn hỗ trợ dài hạn cho quân đội và tái thiết Ukraine cũng đang bế tắc. Hungary đang ngăn chặn sự thay đổi đối với các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào các tài sản đóng băng của Nga, vốn đóng vai trò cần thiết để cấp khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine bằng cách sử dụng số tiền thu được từ các tài sản đó, và nói rằng quyết định nên đợi đến sau cuộc bầu cử Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Biden đang vật lộn để đảm bảo Ukraine có những gì cần thiết cho cuộc giao tranh lâu dài và ông Biden hiện "đang rút hết" tất cả khoản tiền Quốc hội phân bổ cho Ukraine, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề châu Âu và Á - Âu James O'Brien cho biết tại một hội nghị ngày 18/10. Chính quyền Mỹ cũng đang đầu tư "hàng tỷ USD" vào ngành quốc phòng Ukraine để nước này có thể tự sản xuất đạn dược, ông O'Brien nói.
Theo ông: "Mỗi ngày chúng tôi đều xây dựng năng lực dài hạn cho Ukraine. Điều ấy sẽ giúp mang lại thành công cho Ukraine trong chặng đường dài".
Tuy nhiên, phương Tây khó có thể bắt kịp Nga trong tương lai gần. Các quan chức NATO cho biết, riêng Nga đang sản xuất khoảng 3 triệu quả đạn pháo mỗi năm trong khi NATO sản xuất tổng cộng chưa đến 2 triệu quả đạn pháo. Con số này đã tăng so với vài chục nghìn quả đạn pháo sản xuất mỗi năm cách đây vài năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của Ukraine.
Nga có thể duy trì mức sản xuất đạn dược cao trong ít nhất là năm tới, một quan chức cấp cao NATO cho hay bởi vì Moscow đang sản xuất các loại vũ khí công nghệ thấp như bom không dẫn đường và chuyển toàn bộ nền kinh tế sang trạng thái sẵn sàng cho xung đột.
Bộ trưởng Quốc phòng Austin cố gắng trấn an các đồng minh rằng Mỹ đang nỗ lực tăng cường sản xuất vũ khí và thiết bị trong nước để tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine năm tới.
Tại cuộc họp với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của NATO vào 17/10, ông Austin và những người đồng cấp đã thảo luận về các chuỗi cung ứng quốc phòng để cố gắng xác định và tìm nguồn nguyên liệu thô cần thiết cho việc tăng cường sản xuất vũ khí.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte bày tỏ tin tưởng liên minh "sẽ không mất đi" sự thống nhất của mình trong vấn đề Ukraine.
"Hỗ trợ Ukraine không phải một hành động từ thiện. Đó cũng là khoản đầu tư vào an ninh của chúng ta. Bởi vì cái giá phải trả để Tổng thống Vladimir Putin làm theo ý mình sẽ cao hơn nhiều cái giá của việc hỗ trợ Ukraine", ông Mark Rutte cho hay.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nato-chuan-bi-cho-kich-ban-my-giam-vai-tro-trong-vien-tro-ukraine-post1129465.vov