'Nên cấm sóng những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật'

'Nên cấm sóng những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật'
5 giờ trướcBài gốc
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, thổi phồng công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Vụ việc này đã dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ công chúng và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của nghệ sĩ trong việc quảng bá sản phẩm.
Một số nghệ sĩ nổi tiếng bị nhắc tên trong vụ quảng cáo sai sự thật như NSND Hồng Vân, Doãn Quốc Đam, MC Hoàng Linh, MC Vân Hugo, BTV Quang Minh... Nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng giải thích hoặc xin lỗi những ồn ào này. Trong đó, MC Vân Hugo, BTV Quang Minh bị đề xuất xử phạt vì quảng cáo "lố".
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết sau buổi làm việc với BTV Quang Minh, MC Vân Hugo, Cục xác định cả hai đã thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết đã lập biên bản và dự kiến xử phạt hành chính hai nghệ sĩ.
BTV Quang Minh và MC Vân Hugo bị đề xuất xử phạt vì quảng cáo sữa "lố"
Nghệ sĩ khi quảng cáo cần tuân thủ pháp luật
Trước việc nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, thổi phồng công dụng, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đã có chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử tiếng nói Việt Nam. Theo ông, khi nghệ sĩ hay người nổi tiếng nhận quảng cáo, cần xem xét đến 4 yếu tố là pháp luật, đạo đức, danh tiếng và tài chính. Nghệ sĩ sẽ nhận lợi ích về mặt tiền bạc khi quảng cáo cho nhãn hàng nhưng họ không thể bất chấp danh tiếng, trách nhiệm xã hội và pháp luật để quảng cáo sai sự thật.
“Bất kỳ nghệ sĩ nào có suy nghĩ bất chấp danh tiếng của bản thân, pháp luật để quảng cáo sản phẩm bởi nhận được rất nhiều tiền là sai ngay trong tư tưởng. Nghệ sĩ cần sống và làm việc theo pháp luật, nếu phát hiện sản phẩm thực tế không đúng như quảng cáo thì không nên nhận, thậm chí cần tố giác với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cần xem xét việc tham gia quảng cáo sản phẩm đó có ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và danh tiếng của bản thân hay không. Cuối cùng, nghệ sĩ mới xem xét đến vấn đề tài chính”, ông Nguyễn Ngọc Long cho biết.
Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng lại làm ngược lại. Họ coi tài chính là điều quan trọng nhất khi nhận quảng cáo sản phẩm. Nếu nhận được khoản tiền lớn, có người sẵn sàng không quan tâm đến chất lượng sản phẩm và nhận lời quảng cáo, bỏ qua tất cả những thước đo còn lại.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, nghệ sĩ phải biết chọn lựa thương hiệu uy tín để hợp tác để không băn khoăn làm thế nào vừa mang lại hiệu quả cho nhãn hàng mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng.
Có cùng quan điểm về việc nghệ sĩ cần tuân thủ pháp luật khi quảng cáo, tại họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, NSND Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhấn mạnh: “Dù là ai, nghệ sĩ, người nổi tiếng hay bất kỳ công dân nào, đều phải tuân thủ pháp luật. Không chỉ nghệ sĩ và người nổi tiếng, bất kỳ ai quảng cáo sai sự thật hay bán hàng sai sự thật, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc là nghệ sĩ hay người nổi tiếng có thể khiến hành vi của họ có tác động xã hội lớn hơn nhưng trách nhiệm pháp lý là như nhau”.
NSND Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn
"Dù là ai, nghệ sĩ, người nổi tiếng hay bất kỳ công dân nào, đều phải tuân thủ pháp luật. Không chỉ nghệ sĩ và người nổi tiếng, bất kỳ ai quảng cáo sai sự thật hay bán hàng sai sự thật, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", NSND Xuân Bắc – Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn.
Có nên cấm sóng nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật?
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử đề cập đến Bộ quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Ông khẳng định bộ quy tắc ứng xử này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không có tính bắt buộc và không đi kèm chế tài xử phạt. Do đó, cho đến thời điểm này, chưa có cá nhân nào bị xử lý theo bộ quy tắc này. Tuy nhiên, nó vẫn cần thiết để định hướng hành vi phù hợp chuẩn mực đạo đức.
Về từ “phong sát” nghệ sĩ xuất hiện trên truyền thông, ông Lê Quang Tự Do khẳng định: “Bộ chưa từng dùng từ đó. Thay vào đó, chúng tôi có xây dựng quy chế về việc hạn chế hình ảnh nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử xuất hiện trên báo chí, không gian mạng và sân khấu biểu diễn. Quy chế này đã được ban hành vào cuối năm 2024, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai trong thực tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cân nhắc thực hiện thí điểm, lựa chọn một vài trường hợp phù hợp để làm mẫu, có thể ở mức cảnh cáo, hạn chế xuất hiện nhằm định hướng và răn đe”.
Còn theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, nên cấm sóng những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ông cho rằng tất cả những mức phạt hiện nay đều không đủ sức răn đe đối với nghệ sĩ. Cơ quan quản lý không thể đưa ra mức phạt như 5 triệu đồng, 10 triệu đồng hay 100 triệu đồng để xử phạt những nghệ sĩ vi phạm vì số tiền lợi nhuận họ nhận được từ hợp đồng quảng cáo là rất lớn.
“Có thể xử phạt bằng cách nghệ sĩ vi phạm lần 1 thì cấm sóng trong 3 tháng, lần 2 cấm sóng trong 6 tháng, lần 3 cấm sóng trong 1 năm. Nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ bị cấm sóng vĩnh viễn”, ông Nguyễn Ngọc Long cho hay.
Mai Trang/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/giai-tri/nghe-si/nen-cam-song-nhung-nghe-si-quang-cao-sai-su-that-post1193867.vov