Bán dẫn 'cực mở' nhưng chỉ dành cho người giỏi

Bán dẫn 'cực mở' nhưng chỉ dành cho người giỏi
một ngày trướcBài gốc
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn – một ngành công nghệ cao được ví như "xương sống" của kinh tế số.
Các chuyên gia đã đề xuất những định hướng chiến lược, từ phát triển chip chuyên dụng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhằm đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trong ngành công nghiệp này.
Phát triển chip chuyên dụng tầm trung thay vì chạy đua công nghệ
Chia sẻ tại tọa đàm “Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia” sáng 17/4, các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành đều cho rằng Việt Nam nên định hướng ngành công nghiệp bán dẫn để phát triển các chip tầm trung, chuyên dụng như chip dùng trong viễn thông, chip căn cước công dân, chip IoT hay chip mật mã... thay vì chạy đua công nghệ tối tân.
Theo GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT và Bán dẫn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam có thể tập trung vào hệ vi xử lý dựa trên mã nguồn mở RISC-V tương tự một số nước như Trung Quốc. Giải pháp này sẽ giúp chúng ta giảm lệ thuộc vào mã nguồn đóng độc quyền của nước ngoài.
GS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện CNTT và Bán dẫn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất Việt Nam tập trung vào kiến trúc nguồn mở RISC-V. Ảnh: Du Lam
Theo ông, bán dẫn là lĩnh vực công nghệ rất cao và để sản phẩm được thị trường chấp nhận không hề dễ. Ông đề xuất cách đi đơn giản nhất là thành lập một ngân hàng IP dành riêng cho các thiết kế của người Việt để chia sẻ miễn phí hoặc chi phí thấp.
Ngân hàng này sẽ hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, trong khi người cung cấp thiết kế nhận được phản hồi trong quá trình sử dụng thực tế để tiếp tục hoàn thiện. “Khi được ứng dụng trong nhiều dự án, việc thương mại hóa sẽ rất dễ dàng”, ông nói.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một nhà máy chế tạo bán dẫn, dù quy mô lớn hay nhỏ, để phục vụ an ninh quốc phòng và nên tập trung vào công nghệ đóng gói tiên tiến (advanced packaging).
GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trình bày tại tọa đàm. Ảnh: Du Lam
Thực tiễn cho thấy, các công ty như FPT Semiconductor đã bắt đầu thiết kế chip cho IoT, trong khi Viettel cung cấp chip cho mạng 5G.
GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, chi ra: “Bán dẫn là một ngành cực mở nhưng chỉ dành cho những đơn vị giỏi, người giỏi, sở hữu công nghệ tốt. Để thực hiện ước mơ nước giầu, nước mạnh, trước tiên sản phẩm đầu ra phải bán được trên thị trường thế giới”.
Cơ chế đột phá và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Để hiện thực hóa tiềm năng, Việt Nam cần cơ chế chiến lược và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.
GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Bách khoa Hà Nội, nêu các kiến nghị liên quan đến thành lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Ảnh: Du Lam
GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Bách khoa Hà Nội, đề xuất thành phố Hà Nội triển khai cơ chế đặt hàng nghiên cứu trọng điểm; thành lập quỹ đổi mới sáng tạo theo hình thức nhà nước đầu tư, doanh nghiệp vận hành; thành lập liên minh đổi mới sáng tạo giữa các đại học.
Ông nêu cao vai trò của các doanh nghiệp lớn – vốn có nhu cầu đáng kể với chip bán dẫn - trong việc hỗ trợ phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất: “Cần có cơ chế huy động nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp, kết hợp đội ngũ tri thức từ các cơ sở như trường đại học, viện nghiên cứu”.
Về hệ sinh thái, GS.TS. Trần Xuân Tú đề xuất mô hình trung tâm liên kết giữa các trường đại học để chia sẻ thiết bị đắt đỏ. “Nếu đơn vị nào cũng đầu tư máy quang khắc, thiết bị chế tạo, ngân sách nhà nước không thể đủ”, ông cảnh báo.
Ông cũng kêu gọi tạo cơ chế thông thoáng để hợp tác với các giáo sư, nhà khoa học trong và ngoài nước. Ông dẫn ví dụ mỗi lần tổ chức hội nghị quốc tế đều rất phức tạp, thủ tục mất tới 5-6 tháng.
Bên cạnh đó, ông cho rằng phải xác định 5-10 năm tới, doanh nghiệp làm công nghệ gì rồi lấy đó làm đầu bài để đầu tư khoa học công nghệ, đầu tư vào các viện nghiên cứu, trường đại học.
Từ đó, tạo sự gắn kết của các trường và doanh nghiệp cũng như sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp về đội ngũ chuyên gia khi triển khai công nghệ mới trong tương lai.
Dưới góc độ doanh nghiệp, TS. Võ Đình Bảo Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quang Điện, khuyến nghị Việt Nam nghiên cứu cách Malaysia tổ chức khu thương mại tự do để thu hút đầu tư bán dẫn từ năm 1972.
Ngoài ra, bán dẫn Việt Nam cũng nên hướng đến những công nghệ đang buộc phải dịch chuyển khỏi các cơ sở sản xuất truyền thống do địa chính trị.
Để chuỗi cung ứng lâu đời có thể dịch chuyển đến Việt Nam, cần tác động về nhiều mặt như ngoại giao, an ninh kinh tế, chính sách thuế quan, vận động hành lang...
Với những định hướng rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu, Việt Nam có cơ hội tạo ra bước đột phá trong công nghiệp bán dẫn và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Du Lam
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ban-dan-cuc-mo-nhung-chi-danh-cho-nguoi-gioi-2392410.html