Lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người Việt, diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Vào dịp này, người dân thường làm lễ tiễn Táo quân về trời để báo cáo những việc diễn ra trong gia đình suốt một năm qua.
Năm 2025, ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp rơi vào thứ Tư, ngày 22/1 Dương lịch. Nhiều gia đình lựa chọn ngày giờ thích hợp để cúng ông Công ông Táo để tiện bố trí công việc cũng như đón nhận những điều tốt đẹp, an lành.
Nên cúng ông Công ông Táo 2025 vào ngày nào, giờ nào?
Theo sách "Tìm hiểu văn hóa Phương Đông 365 ngày" của tác giả Thiên Nhân, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2025, ngày 23/12 Âm lịch - Tết ông Công ông Táo - chính là ngày Hoàng đạo, các gia đình có thể lựa chọn thực hiện lễ cúng vào một số giờ tốt như giờ Tý (23h-1h), giờ Dần (3h-5h), giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h).
Theo quan niệm phong thủy, giờ Ngọ (11h-13h) của ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo quân.
Tuy nhiên, do 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Tư là ngày làm việc giữa tuần nên nhiều gia đình khó thu xếp để cúng được đúng ngày. Nhiều gia đình chọn cúng trước ngày 23 tháng Chạp để đảm bảo có đủ thời gian chuẩn bị lễ vật một cách chu đáo mà không bị áp lực.
- Ngày 19 tháng Chạp (thứ Bảy ngày 18/1 Dương lịch) gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào: Giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).
- Ngày 20 tháng Chạp (Chủ nhật ngày 19/1 Dương lịch) các thời điểm có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: Giờ Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
- Ngày 21 tháng Chạp (thứ Hai, 20/1 Dương lịch), các thời điểm có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo gồm: Dần (3h-5h), giờ Mão (5h-7h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Tuất (19h-21h) và giờ Hợi (21h-23h).
- Ngày 22 tháng Chạp (thứ Ba, 21/1 Dương lịch) là ngày Tam nương, được coi là ngày xấu.
Các gia đình không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm khiến Táo quân phải chờ đợi lâu khi lên thiên đình, cũng không được muộn hơn giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp vì các ngài sẽ không kịp lên dự buổi chầu.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo đầy đủ. (Ảnh: Vũ Thanh Hoan)
Nghi thức cúng ông Công ông Táo
Lễ cúng ông Công ông Táo không chỉ là một dịp để gia đình sum vầy, mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Theo truyền thuyết, Táo quân là người ghi lại mọi việc tốt xấu trong năm của từng gia đình và tâu lên Ngọc Hoàng. Do đó, lễ cúng là dịp để mọi người thành tâm cầu nguyện cho một năm mới an lành, hạnh phúc và may mắn.
Lễ cúng ông Công ông Táo thường bao gồm các mâm cỗ và lễ vật dâng lên thần linh. Gia chủ cần chuẩn bị các lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm:
Bộ mũ ông Công ông Táo: Đây là vật phẩm không thể thiếu, bộ mũ của hai ông và một bà mang ý nghĩa đưa tiễn các vị thần lên chầu trời. Bộ mũ thường được làm bằng giấy trang kim màu sắc rực rỡ.
Cá chép: Cá chép được xem là phương tiện để ông Công ông Táo lên trời. Tùy vào vùng miền mà có thể là cá chép sống để phóng sinh hoặc cá chép giấy.
Vàng mã
Trầu cau, trái cây, hoa tươi.
Rượu trắng, trà, gạo-muối (mỗi thứ một đĩa nhỏ).
Bên cạnh các lễ vật chính, mâm cỗ cũng đóng vai trò quan trọng trong lễ cúng. Tùy từng điều kiện của mỗi gia đình có thể chọn mâm cỗ mặn hoặc mâm cỗ chay.
Mâm cỗ mặn sẽ bao gồm các món truyền thống như gà luộc, giò, nem rán, xôi, và các món ăn dân dã khác. Mâm cỗ mặn thể hiện sự thịnh soạn và lòng thành kính của gia đình đối với các vị thần linh.
Đối với những gia đình theo phong cách sống thanh tịnh, mâm cỗ chay có thể thay thế như một sự lựa chọn khác. Các món chay thường bao gồm nem rán chay, nấm xào, rau củ quả... Mâm cơm chay thể hiện sự giản dị, thanh thoát nhưng không kém phần trang trọng.
Đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo gần bàn thờ gia tiên. (Ảnh: Nhung Ngo)
Quy trình cúng ông Công ông Táo là đồ cúng phải đặt trong bếp và khi cúng phải bật bếp lên cho cháy rực, mâm cỗ đề huề để cả nhà quanh năm no ấm. Có người thì vừa đặt một mâm cúng trong bếp và thêm một mâm khác cúng trên bàn thờ. Những đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
Người thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ, phải ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, kín đáo, không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn… Trong lúc khấn, phải giữ tâm thái hoan hỉ để tạo ra năng lượng tích cực.
Một số điều kiêng kỵ ít người biết trong ngày cúng ông Công, ông Táo bao gồm việc tránh làm vỡ bát đĩa, tránh cãi vã, tránh cúng tiền âm phủ, tránh ném cá chép từ trên cao xuống. Ngoài ra, ngày tiễn ông Táo cũng được coi là ngày để quét dọn nhà cửa, loại bỏ những điều không may mắn trong năm cũ.
Nhật Thùy