Nên đi bộ với tốc độ nhanh hay chậm thì tốt hơn cho sức khỏe?

Nên đi bộ với tốc độ nhanh hay chậm thì tốt hơn cho sức khỏe?
7 giờ trướcBài gốc
Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị người lớn thực hiện ít nhất 150 phút tập thể dục nhịp điệu vừa phải mỗi tuần, chia thành 30 phút mỗi ngày trong 5 ngày một tuần. Trong đó, hoạt động thể chất phổ biến, được nhiều người áp dụng chính là đi bộ.
Cả đi bộ nhanh trong thời gian ngắn và đi bộ với tốc độ trung bình hoặc chậm trong thời gian dài đều có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại hình đi bộ nào còn phụ thuộc vào mục tiêu, tình trạng sức khỏe và sở thích của từng cá nhân.
Sau đây là phân tích về các lợi ích của từng kiểu đi bộ để bạn quyết định lựa chọn một loại hình hay kết hợp cả hai vào thói quen hàng ngày của mình.
Đi bộ là thói quen lành mạnh, dễ thực hiện và ngày càng được nhiều người áp dụng.
1. Đi bộ nhanh có lợi gì?
Đi bộ nhanh (tốc độ 4.8km/h -6.4km/h) là một trong những hoạt động nhịp điệu cường độ vừa phải. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) định nghĩa hoạt động nhịp điệu cường độ vừa phải là các hoạt động khiến một người đổ mồ hôi và làm tăng nhịp tim đến mức họ có thể nói nhưng không thể hát.
Đi bộ nhanh có thể giúp:
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Đi bộ nhanh có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách tăng tuần hoàn và giảm huyết áp, cholesterol.
- Tăng cường trao đổi chất: Một nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ) phát hiện ra rằng, đi bộ với tốc độ nhanh có thể giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả hơn. Nguyên nhân do đi bộ nhanh đốt cháy nhiều calo hơn đi bộ chậm và khi thực hiện thường xuyên, sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất, từ đó giúp giảm cân thừa. Đối với những người có thời gian hạn chế, đi bộ nhanh là cách hiệu quả để tập thể dục 30 phút mỗi ngày theo khuyến nghị.
- Tốt cho sức khỏe cơ bắp: Đi bộ với tốc độ nhanh tăng cường cơ bắp ở phần thân dưới ngoài việc tăng cường sức bền tổng thể.
- Giảm nguy cơ tử vong: Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh cho biết có mối liên hệ giữa việc đi bộ với tốc độ trung bình hoặc nhanh và giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân hoặc do bệnh tim mạch so với việc đi bộ với tốc độ chậm (dưới 3,2km/giờ).
Đi bộ nhanh mang lại nhiều lợi ích cho cơ bắp, tim mạch...
2. Lợi ích của đi bộ chậm
Đi bộ chậm (tốc độ dưới 3,2km/giờ) trong thời gian dài, khoảng 1-2 giờ có thể tăng cường, cải thiện các yếu tố sức khỏe như cholesterol và chức năng phổi.
Sau đây là một số lợi ích:
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Đi bộ lâu hơn có thể tăng cường cơ tim và cải thiện lưu thông máu. Khi nhịp tim cải thiện có thể mang nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn đến các cơ quan trong cơ thể.
- Tăng cường chức năng phổi: Đi bộ cũng làm tăng khả năng hấp thụ oxy của phổi, cải thiện sức khỏe phổi. Khi hoạt động thể chất, tim và phổi sẽ phải làm việc nhiều hơn để cung cấp thêm oxy mà cơ bắp cần. Do đó, duy trì hoạt động thể chất như đi bộ lâu hơn có thể cải thiện chức năng tim và phổi.
- Tăng cường sức khỏe tinh thần: Đi bộ giúp giải phóng các hormone hạnh phúc endorphin dopamine, serotonin và oxytocin có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái, tự tin, thư giãn hơn về cuộc sống và hạn chế trầm cảm.
- Tăng cường cholesterol tốt: Đi bộ lâu hơn có thể giúp tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) hoặc cholesterol "tốt". Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Y tế Đại học Duke, Mỹ phát hiện ra rằng, tập thể dục cải thiện số lượng và kích thước của các hạt mang cholesterol đi khắp cơ thể. Những người tập thể dục có các hạt lớn hơn, xốp hơn, ít có khả năng làm tắc nghẽn động mạch.
- Kiểm soát bệnh đái tháo đường: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh đái tháo đường đi bộ ít nhất hai giờ một tuần ít có khả năng tử vong do bệnh tim hơn những người ít vận động. Những người tập thể dục từ 3-4 giờ một tuần thậm chí còn giảm nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
3. Lời khuyên để đạt hiệu quả tốt nhất khi đi bộ
- Kết hợp: Kết hợp cả đi bộ nhanh và đi bộ chậm vào thói quen hàng ngày để cung cấp một chế độ tập thể dục toàn diện, mang lại hiệu quả cao hơn. Bạn có thể xen kẽ các kiểu đi bộ như đi bộ với tốc độ vừa phải trong 1-2 phút rồi đi với tốc độ nhanh trong 1-2 phút và tăng dần thời gian khi cơ thể đã quen với tốc độ, cường độ.
- Lắng nghe cơ thể: Chú ý đến cách cơ thể phản ứng với các tốc độ và thời gian đi bộ khác nhau để điều chỉnh dựa trên mức độ thoải mái và thể lực. Từ đó giúp cơ thể thích nghi, tránh chấn thương đồng thời duy trì được thói quen lâu dài.
- Tham khảo ý kiến chuyên gia: Nếu bạn có bất kỳ vấn đề hoặc tình trạng sức khỏe nào, hãy cân nhắc tham khảo ý kiến chuyên gia để được tư vấn cụ thể theo tình trạng từng cá nhân.
Mời bạn xem tiếp video:
Biện pháp hồi phục sức khỏe sau kỳ nghỉ Tết.
Lê Mỹ Giang
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nen-di-bo-voi-toc-do-nhanh-hay-cham-thi-tot-hon-cho-suc-khoe-169250123121106367.htm