Mở rộng nguồn tuyển dụng, giúp ổn định đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng dạy
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Theo thống kê đến tháng 2/2025, toàn huyện có 972 giáo viên giảng dạy từ bậc mầm non đến trung học cơ sở. Trong đó, có 44 giáo viên Tiếng Anh, 14 giáo viên Tin học và 50 giáo viên Nghệ thuật.
Số lượng giáo viên hiện tại cơ bản đáp ứng được nhu cầu giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn. Tuy nhiên, huyện vẫn còn thiếu tổng cộng 40 thầy cô, trong đó, môn Tin học thiếu 10 giáo viên, Tiếng Anh thiếu 19 giáo viên, Âm nhạc thiếu 9 giáo viên và Mỹ thuật thiếu 2 giáo viên. Trước tình trạng này, các trường thực hiện hợp đồng, thỉnh giảng nhằm khắc phục tạm thời tình trạng thiếu giáo viên, trong khi chờ huyện tổ chức tuyển dụng bổ sung”.
Thầy Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: NVCC.
Thầy Lê Thanh Long nhận định, nếu áp dụng cơ chế tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng dạy một số môn đặc thù là một giải pháp phù hợp trong bối cảnh nhiều địa phương đang thiếu giáo viên: “Đây được xem là một giải pháp linh hoạt, đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt, đối với các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật, giúp bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên, tạo cơ hội việc làm cho những người có trình độ chuyên môn phù hợp.
Sau khi được tuyển dụng, giáo viên trình độ cao đẳng có thể tham gia các chương trình đào tạo nâng cao, từng bước chuẩn hóa trình độ theo lộ trình phù hợp. Đối với những địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Tam Nông, việc mở rộng nguồn tuyển dụng không chỉ giúp ổn định đội ngũ giáo viên, mà còn nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo tính bền vững trong phát triển nguồn nhân lực giáo dục”.
Chia sẻ về điều kiện thực tế của nhà trường, thầy Nguyễn Công Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) cho biết: “Hiện tại, mặc dù giáo viên của nhà trường cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; song, tại địa phương, vẫn còn khá nhiều nhà trường có tình trạng thiếu giáo viên một số môn như Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật). Chẳng hạn, hiện nay một số trường trong huyện Bắc Mê đang phải mượn giáo viên đến từ các tỉnh khác để đảm bảo chương trình giảng dạy. Điều này xuất phát từ thực trạng nguồn nhân lực tại địa phương còn thiếu, đặc biệt, đối với môn học có yêu cầu chuyên môn cao như môn Tiếng Anh, Tin học.
Mặc dù, tại nhà trường đã có đủ giáo viên dạy môn Tiếng Anh theo quy định, nhưng vẫn có 1 giáo viên đi hỗ trợ giảng dạy tại trường tiểu học trong cùng huyện Bắc Mê nhưng khoảng cách gần 20km. Việc điều động được thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo ngành giáo dục, nhằm đảm bảo đủ số tiết giảng dạy cho cả 2 trường. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức nhất định về thời gian di chuyển và khối lượng công việc của giáo viên”.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Bùi Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) cũng chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường chỉ thiếu 1 giáo viên môn Âm nhạc. Do số lượng giáo viên được đào tạo chuyên sâu về các môn nghệ thuật khá hạn chế. Do đó, việc thí điểm tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng trong thời điểm này là phù hợp, giúp mở rộng nguồn nhân lực giảng dạy tại các địa phương còn thiếu giáo viên. Ngoài ra, ở vùng cao, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, không lựa chọn giảng dạy, do điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn”.
Cô Bùi Thị Hường cũng cho rằng, đối với giáo viên môn Mỹ thuật và Âm nhạc ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, trình độ cao đẳng là cơ bản có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong bối cảnh hiện nay. Khi được tuyển dụng, giáo viên sẽ trải qua giai đoạn tập sự dưới sự hướng dẫn của nhà trường. Thách thức không những ở trình độ chuyên môn, mà còn ở phương pháp giảng dạy, tuy nhiên, những hạn chế này có thể khắc phục trong quá trình làm việc thực tế.
“Hiện nay, quy trình tuyển dụng giáo viên chủ yếu tập trung vào kiểm tra kiến thức, chính sách, nghiệp vụ sư phạm và làm câu hỏi trắc nghiệm. Tuy nhiên, cách đánh giá này phù hợp với giáo viên các môn học thông thường, nhưng với những môn đặc thù như Mỹ thuật, Âm nhạc hay Tiếng Anh, cần bổ sung bài kiểm tra thực hành, chẳng hạn yêu cầu ứng viên tổ chức một tiết dạy mẫu, để đánh giá chính xác năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Sín Chéng nhấn mạnh.
Thời gian tập sự của giáo viên trình độ cao đẳng nên được kéo dài
Thầy Nguyễn Công Hoan chia sẻ thêm: “Việc tuyển dụng giáo viên dù ở trình độ cao đẳng hay đại học, đều phải đảm bảo các yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ theo đúng quy định. Tuy nhiên, đối với giáo viên có trình độ cao đẳng, cần tham gia thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực giảng dạy, đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng dạy một số môn đặc thù là cần đánh giá năng lực thực tế. Việc thi tuyển không nên chỉ dừng lại ở việc xem xét bằng cấp, mà cần có những bài kiểm tra thực tế về kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy, khả năng truyền đạt kiến thức và xử lý tình huống sư phạm. Điều này giúp đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên, tránh tình trạng có bằng cấp nhưng thiếu kỹ năng thực hành giảng dạy. Trên thực tế, hình thức kiểm tra đánh giá năng lực sư phạm mới chỉ được áp dụng tại một số địa phương, nhưng chưa được triển khai đồng bộ trên cả nước.
Ngoài ra, vấn đề thời gian tập sự đối với giáo viên cũng cần được xem xét. Hiện nay, giáo viên có trình độ cao đẳng trải qua thời gian tập sự 9 tháng, trong khi giáo viên có trình độ đại học là 12 tháng. Tuy nhiên, thời gian tập sự của giáo viên trình độ cao đẳng nên được kéo dài 12 tháng là hợp lý, giúp giáo viên có thêm thời gian để thích nghi với môi trường giảng dạy, rèn luyện kỹ năng và nâng cao trình độ chuyên môn trước khi chính thức đứng lớp”.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường nhấn mạnh, bên cạnh yếu tố tuyển dụng và đào tạo, các chính sách đãi ngộ đối với giáo viên cũng là vấn đề cần được quan tâm.
“Việc tăng lương, có chế độ thưởng hợp lý và cải thiện điều kiện làm việc sẽ góp phần thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên, đặc biệt, tại các khu vực miền núi khó khăn. Ngoài ra, các trường cũng cần có thêm cơ chế khuyến khích giáo viên giỏi, có năng lực vào các vị trí quản lý, tạo động lực phát triển nghề nghiệp và giữ chân người tài trong ngành giáo dục” - vị Hiệu trưởng bày tỏ.
Thầy Nguyễn Công Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Cường (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang). Ảnh: NVCC.
Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), khi tuyển giáo viên trình độ cao đẳng, cần có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ,... nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy. Cụ thể:
Đầu tiên, giáo viên cần được tập huấn chuyên sâu về mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tiếp đó, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, việc bổ sung các kỹ năng giảng dạy, quản lý lớp học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là rất quan trọng, giúp giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy.
Ngoài ra, cần bồi dưỡng chuyên môn theo từng môn học. Đối với các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) giáo viên cần được cập nhật các nội dung chuyên sâu, phương pháp giảng dạy hiện đại và thực hành thực tế để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Thêm vào đó, giáo viên cần được trang bị thêm các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống sư phạm, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và phát triển năng lực cá nhân.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nâng chuẩn trình độ phải có lộ trình rõ ràng. Giáo viên cao đẳng được tham gia các khóa đào tạo nâng lên trình độ đại học, nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ, đảm bảo chất lượng giáo dục bền vững. Việc bồi dưỡng, tập huấn cần thực hiện thường xuyên, có sự giám sát, đánh giá để kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả giảng dạy của đội ngũ giáo viên mới được tuyển dụng.
Để đảm bảo đội ngũ, nâng cao chất lượng, ổn định đời sống cho giáo viên và nâng cao chất lượng dạy học tại địa phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Nông đã đưa ra một số đề xuất sau:
“Thứ nhất,về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên: Cần tiếp tục triển khai các chương trình bồi dưỡng giáo viên theo hướng chuyên sâu, cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy hiện đại phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý giáo dục, giúp giáo viên sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ dạy học. Điều này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và sự thành công trong việc chuyển đổi số đối với ngành giáo dục và đào tạo. Tiếp đó, cần có lộ trình hỗ trợ giáo viên trình độ cao đẳng nâng chuẩn lên đại học, đảm bảo chất lượng giảng dạy lâu dài, đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.
Thứ hai, về cơ chế, chính sách khen thưởng và đãi ngộ: Tăng phụ cấp và hỗ trợ tài chính,cần có chế độ phụ cấp hợp lý đối với giáo viên nói chung và dạy các môn còn thiếu giáo viên như môn Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật, Công nghệ. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ giáo viên công tác ở vùng khó khăn, đảm bảo thu nhập ổn định, yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, khen thưởng giáo viên có thành tích xuất sắc. Cần xây dựng chính sách khen thưởng định kỳ cho giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới phương pháp giảng dạy, đóng góp vào chất lượng giáo dục.Ngoài ra, cải thiện môi trường làm việc, quan tâm đến điều kiện giảng dạy, đảm bảo cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại, nhất là với các môn cần thực hành như Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Thứ ba,về chính sách thu hút và giữ chân giáo viên: Tạo cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp.Xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng, có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên có cơ hội nâng cao trình độ và thăng tiến trong nghề nghiệp.
Tiếp đó, hỗ trợ nhà ở, đời sống cho giáo viên vùng khó khăn: Cần có chính sách hỗ trợ về nhà công vụ, nền nhà và nhà ở trong cụm tuyến dân cư hoặc phụ cấp sinh hoạt cho giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, giảm áp lực kinh tế và tạo động lực gắn bó lâu dài với địa phương nơi công tác.
Cuối cùng, giảm bớt các công việc hành chính, hồ sơ không cần thiết để giáo viên tập trung vào công tác giảng dạy, nghiên cứu chuyên môn”.
Vân Tú