Nền kinh tế Mỹ chưa 'ngấm đòn' thuế quan - chỉ là giai đoạn bình yên trước cơn bão?

Nền kinh tế Mỹ chưa 'ngấm đòn' thuế quan - chỉ là giai đoạn bình yên trước cơn bão?
17 giờ trướcBài gốc
Nền kinh tế Mỹ - động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu - đã vượt qua mọi kỳ vọng trên nhiều lĩnh vực. (Nguồn: Financial Times)
Hồi tháng 4/2025, khi ông Trump công bố mức thuế quan "có đi có lại" mạnh tay đối với hàng chục quốc gia các nhà kinh tế đã đưa ra cảnh báo về tác hại kinh tế thảm khốc. Đến nay, nỗi sợ hãi của họ vẫn chưa thành hiện thực.
Hiện, hàng chục đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm cả đồng minh thân cận như Hàn Quốc đang phải đối mặt với mức thuế quan 25%, trừ khi họ ký kết các thỏa thuận thương mại với chính quyền ông Trump trước thời hạn ngày 1/8.
Trong khi đó, châu Âu vẫn chưa đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu đã cảnh báo rằng, mức thuế quan 30% mà ông Trump đưa ra sẽ "làm gián đoạn chuỗi cung ứng thiết yếu xuyên Đại Tây Dương, gây bất lợi cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương".
GS. Joseph Foudy tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York (Mỹ) nhận định: "Khi bạn bắt đầu thấy mức thuế ở mức cao hơn 20%, các doanh nghiệp sẽ gặp khó. Doanh nghiệp có thể phải hoãn các quyết định quan trọng, trì hoãn việc tuyển dụng nhân sự và hoạt động kinh tế suy giảm".
Những chỉ dấu đáng lo ngại
Nền kinh tế Mỹ - động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu - đã vượt qua mọi kỳ vọng trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể: Lạm phát vẫn ở mức thấp, việc làm và chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ và thị trường chứng khoán đã đạt mức cao kỷ lục.
Dù vậy, các chuyên gia từ Financial Times đã nêu bật một số chỉ dấu đáng lo ngại của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thứ nhất, về thị trường lao động. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) tại Mỹ gần đây liên tục vượt kỳ vọng ban đầu, trở thành lý do để thị trường chứng khoán bứt phá. Từ tháng 2 đến tháng 6/2025, nền kinh tế Mỹ tạo ra 671.000 việc làm mới. Tuy nhiên, 2/3 số việc làm này đến từ các ngành kém năng động như y tế, giáo dục và chính phủ.
Ông Peter Berezin, Chiến lược gia trưởng tại BCA Research cho rằng, thị trường lao động Mỹ đang tiến gần đến điểm sụt giảm, nơi chỉ một cú sốc nhẹ từ phía cầu có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.
Thứ hai, bất động sản. Ông Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định, bất động sản là lĩnh vực nhạy cảm nhất với lãi suất trong nền kinh tế và thường là lĩnh vực kéo nền kinh tế vào suy thoái.
Tại Mỹ, người mua nhà lần đầu đang phải chi một khoản cao hơn cả thời kỳ bong bóng bất động sản năm 2006 để trả nợ thế chấp. Tỷ lệ khoản vay với lãi suất trên 6% đã tăng vọt sau đại dịch Covid-19.
Theo cơ sở dữ liệu của Cơ quan Tài chính nhà ở liên bang (FHFA), khoảng 20% chủ sở hữu nhà ở Mỹ có khoản vay thế chấp hiện đang phải trả lãi suất từ 6% trở lên - mức cao nhất kể từ năm 2016. Trong khi đó, số lượng nhà mới chưa bán được cũng ở mức cao nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính.
Thứ ba, chi tiêu tiêu dùng. Sau giai đoạn bùng nổ hậu đại dịch Covid-19, chi tiêu thực tế của người dân Mỹ đã giảm liên tiếp kể từ tháng 12/2024.
Theo Pantheon Macroeconomics, toàn bộ các nhóm thu nhập hiện đều đã gần cạn tiền tiết kiệm. Đây là khoản tiền từng giúp tiêu dùng Mỹ duy trì sức bật trong hai năm qua.
Thứ tư, thị trường chứng khoán. Chỉ số S&P 500 tiếp tục đạt mức cao kỷ lục. Thực tế là, sự thống trị của nhóm các cổ phiếu công nghệ đang bùng nổ. Điều này phản ánh nhiều hơn kỳ vọng về trí tuệ nhân tạo (AI), toàn cầu hóa và lợi nhuận ngoài nước.
Đặc biệt, khoảng 40% lợi nhuận của các công ty niêm yết trong S&P 500 hiện đến từ nước ngoài, khiến chỉ số này phản ánh ít hơn về kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, chỉ số S&P 600 - chỉ số của các công ty vốn hóa nhỏ của Mỹ đã sụt giảm kể từ khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ hai. Điều này cho thấy doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu áp lực thực sự.
Cuối cùng, tác động lạm phát của mức thuế cao hiện tại chưa thể tính toán. Các nhà kinh tế đều đồng ý rằng, tác động của thuế quan được áp dụng cho đến nay vẫn chưa được cảm nhận đầy đủ. Nguyên nhân bởi nhiều doanh nghiệp đã tích trữ hàng tồn kho trước để giảm thiểu chi phí tăng cao.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Nguồn: NBC News)
Tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm
GS. Steven Durlauf tại Đại học Chicago (Mỹ) cho rằng, các thỏa thuận thương mại mà Mỹ đã đạt được đang chứng minh rằng, chính sách thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới có những thay đổi không hề nhỏ. Điều này không tốt đối với tăng trưởng, ngay cả khi không quá nghiêm trọng.
Phòng thí nghiệm Ngân sách tại Đại học Yale cho biết, theo các biện pháp hiện hành - bao gồm mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết các quốc gia và mức thuế cao hơn đối với ô tô và thép - mức thuế quan trung bình hiệu quả của Mỹ hiện ở mức 16,6%. Đến ngày 1/8, mức thuế này sẽ tăng 20,6%.
Ngay cả khi ông Trump không tăng mạnh thuế quan vào ngày 1/8, các nhà kinh tế dự đoán, lạm phát vẫn sẽ tăng ít nhất một chút trong những tháng tới. Đương nhiên, giá cả tăng cao hơn có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng.
Trong một phân tích được công bố vào tháng 6/2025, BBVA Research ước tính, mức thuế quan hiện tại của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu 0,5% trong ngắn hạn và hơn 2% trong trung hạn.
Ông Bernard Hoekman, Giám đốc kinh tế toàn cầu tại Trung tâm nghiên cứu cao cấp Robert Schuman thuộc Viện Đại học châu Âu nhấn mạnh: "Còn quá sớm để thấy giá cả hàng hóa chịu tác động của thuế quan. Dù vậy, nếu Mỹ tăng mức thuế quan lên mức 20-30%, thì tác động với nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều".
Các chuyên gia gọi, giai đoạn hiện tại của Mỹ có thể chỉ là là bình yên trước cơn bão và cảnh báo, khi "đòn" thuế quan bắt đầu "thấm và ngấm", mây đen sẽ bắt đầu kéo đến!
(theo Al Jzeera, Financial Times)
Linh Chi
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/nen-kinh-te-my-chua-ngam-don-thue-quan-chi-la-giai-doan-binh-yen-truoc-con-bao-321949.html