Gian hàng hội chợ việc làm vào ngày 30.4 tại Sunrise, Florida, Mỹ. Ảnh: Getty Images
Thị trường lao động vững vàng hơn dự kiến
Hãng CNN đưa tin, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm 177.000 việc làm trong tháng 4, theo dữ liệu do Cục Thống kê Lao động công bố hôm 2.5. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với dự báo 135.000 việc làm từ các nhà kinh tế được khảo sát bởi FactSet.
Dù giảm nhẹ so với con số 185.000 việc làm của tháng 3 (đã điều chỉnh giảm), nhưng mức tăng trưởng mới vẫn cao hơn trung bình ba tháng gần nhất. Tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 4,2%, tiếp tục duy trì gần mức thấp kỷ lục.
Báo cáo tích cực này đã tạo động lực cho thị trường chứng khoán. Chỉ số Dow Jones tăng 490 điểm (1,2%), S&P 500 tăng 1,15%, còn Nasdaq Composite – vốn tập trung vào công nghệ – tăng 1%.
Kể từ sau đại dịch, thị trường lao động vẫn là điểm tựa chính cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khả năng duy trì đà phục hồi đang bị đặt dấu hỏi trong bối cảnh bất ổn chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Lao động Lori Chavez-DeRemer đã lên tiếng hoan nghênh báo cáo việc làm tháng 4: “Mọi thứ trong báo cáo việc làm này đều tích cực.”
Dù thừa nhận nỗi lo về suy thoái ngày càng hiện hữu, bà khẳng định: “Chúng tôi không thấy lý do gì để tin rằng suy thoái kinh tế đang đến gần.”
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhanh chóng sử dụng số liệu việc làm để tiếp tục gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang ( Fed), kêu gọi cơ quan này cắt giảm lãi suất.
Ông viết trên nền tảng Truth Social: “…việc làm mạnh mẽ, và còn nhiều tin tốt hơn nữa, khi hàng tỷ đô la đổ vào từ thuế quan. Người tiêu dùng đã chờ đợi nhiều năm để thấy giá cả giảm xuống. KHÔNG CÓ LẠM PHÁT, FED NÊN HẠ LÃI SUẤT!!!”
Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Trump rằng "không có lạm phát" là không chính xác. Dữ liệu từ Bộ Thương mại cho thấy chỉ số PCE – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – đã tăng 2,3% trong tháng 3, cao hơn mục tiêu 2%.
Fed hiện đang đối mặt với tình thế khó xử: liệu có nên hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng hay tiếp tục giữ nguyên hoặc nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, đặc biệt khi tác động từ thuế quan có thể làm trầm trọng thêm tình hình.
Ngành nào tạo ra nhiều việc làm nhất?
Ngành giáo dục tư nhân và dịch vụ y tế dẫn đầu về tăng trưởng việc làm với 70.000 việc làm mới, trong đó riêng chăm sóc sức khỏe chiếm 51.000.
Ngành vận tải và kho bãi đứng thứ hai với 29.000 việc làm, tiếp theo là lĩnh vực giải trí và khách sạn với 24.000.
Lĩnh vực giải trí và khách sạn cũng ghi nhận mức tăng 24.000 việc làm. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực nhạy cảm, dễ chịu ảnh hưởng nếu người tiêu dùng bắt đầu cắt giảm chi tiêu.
Ở chiều ngược lại, chính phủ liên bang cắt giảm 9.000 việc làm, một phần trong tổng số 26.000 việc làm bị giảm từ tháng 1, do chính sách thu hẹp của chính quyền Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, tính chung toàn khu vực công, bao gồm các cấp tiểu bang và địa phương, vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 10.000 việc làm.
Một số ngành như bán lẻ và sản xuất ghi nhận mất việc nhẹ, lần lượt giảm 1.800 và 1.000 việc làm.
Tổng số việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ đã tăng thêm 177.000 việc làm vào tháng 4. Ảnh: CNN
Tác động từ chính sách và tâm lý chờ đợi
Dù dữ liệu tháng 4 tiếp tục cho thấy thị trường lao động ổn định, các khảo sát gần đây cho thấy nhiều nhà tuyển dụng đang dần thận trọng hơn trước những bất ổn chính sách ngày càng gia tăng dưới chính quyền Tổng thống Trump, yếu tố có thể kìm hãm đà tuyển dụng trong các tháng tới.
Gregory Daco, kinh tế trưởng tại EY-Parthenon nhận định: "Báo cáo lần này phản ánh nền kinh tế Mỹ vẫn đang vững vàng trước khi các đòn thuế quan thực sự phát huy tác động. Tác động rõ nét hơn có thể sẽ xuất hiện trong dữ liệu tháng 5 và tháng 6."
Theo số liệu từ Bộ Lao động, số lượng vị trí tuyển dụng trong tháng 3 đạt khoảng 7,2 triệu, nhích nhẹ so với mức thấp nhất trong bốn năm được ghi nhận vào tháng 9.
Đây được xem là chỉ báo sớm về triển vọng tuyển dụng trong thời gian tới.
Mặc dù tăng trưởng việc làm tích cực, báo cáo tháng 4 cũng phản ánh một số mặt trái. Số người thất nghiệp lâu dài (trên 26 tuần) đã tăng lên 1,67 triệu, mức cao nhất kể từ tháng 2.2022.
Bộ Lao động cũng cho biết số người nhận trợ cấp thất nghiệp liên tục đã tăng lên 1,91 triệu trong tuần kết thúc ngày 19.4, mức cao nhất kể từ tháng 112021.
Giáo sư Sung Won Sohn, ĐH Loyola Marymount cảnh báo: “Mặc dù thị trường lao động chưa đình trệ, sự kết hợp giữa bất ổn thương mại, cắt giảm nhân sự liên bang và nguồn cung lao động hạn chế đang gây tổn hại. Các ngành dễ bị ảnh hưởng trong thời gian tới gồm sản xuất, bán lẻ, vận tải, nông nghiệp, khách sạn và các nhà thầu liên bang.”
Báo cáo việc làm tháng 4 cho thấy thị trường lao động Mỹ tiếp tục duy trì sự ổn định trong bối cảnh bất ổn chính trị và chính sách.
Tuy nhiên, những yếu tố như thuế quan, tâm lý chờ đợi từ các nhà tuyển dụng, và sự gia tăng thất nghiệp lâu dài có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi trong những tháng tới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng mà không làm gia tăng lạm phát.
NGHIÊM THANH