Khu vực nội đô cổ nằm trong Vành đai 1 của Hà Nội, nơi dự kiến được tổ chức lại giao thông từ ngày 1/7/2026, là “trung tâm kinh tế lõi” của Thủ đô.
Nơi đây đóng góp hàng trăm nghìn tỷ đồng vào GRDP mỗi năm cho Thủ đô dù chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích thành phố. Với mật độ dân cư cao kỷ lục và cơ cấu kinh tế dịch vụ vượt trội, vùng lõi này mang sức nặng đặc biệt về tài chính, thương mại, hành chính và bất động sản.
Vành đai 1 còn một dự án để khép kín toàn tuyến là đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục dài hơn 2,2 km. Dự án có tổng mức đầu tư trên 7.200 tỷ đồng, riêng phần giải phóng mặt bằng chiếm 5.800 tỷ đồng. Ảnh: Batdongsanhud.
Nền kinh tế Vành đai 1
Khu vực Vành đai 1 Hà Nội có lộ trình cơ bản bao gồm các tuyến Yên Phụ - Nghi Tàm - Âu Cơ - Lạc Long Quân - Bưởi - Cầu Giấy - Voi Phục - Hoàng Cầu - La Thành Ô Chợ Dừa - Xã Đàn - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái - Trần Khánh Dư - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật, tạo thành vòng khép kín bao quanh vùng lõi đô thị cũ, khu vực trung tâm hành chính, kinh tế và lịch sử lâu đời của Thủ đô.
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội dẫn số liệu từ công cụ của Hệ thống Thông tin Địa lý (GIS) đã tính toán bằng cách khoanh vùng theo bản đồ các tuyến đường vành đai cho thấy về mặt không gian, khu vực bên trong Vành đai 1 có diện tích khoảng 31,5 km2. Diện tích này hiện chiếm chưa tới 1% tổng diện tích toàn TP Hà Nội.
Thế nhưng, ước tính khu vực này là nơi sinh sống thường xuyên của gần 600.000 người. Theo kết quả Điều tra dân số do Cục Thống kê công bố đầu năm nay, cơ quan này dự kiến năm 2025, dân số Hà Nội đạt gần 8,7 triệu người. Như vậy, khu vực này chiếm khoảng 7% dân số toàn thành phố.
Trên phần diện tích 31,5 km2, khu vực này có mật độ dân số trung bình ước tính hơn 19.000 người/km2, cao gấp 7,4 lần mức bình quân toàn thành phố là khoảng 2.585 người/km2, theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 do Cục Thống kê công bố.
Mặc dù diện tích khiêm tốn, vùng lõi nội đô nằm trong Vành đai 1 lại sở hữu năng lực kinh tế vượt trội so với phần còn lại của Thủ đô.
Tại họp báo đầu năm 2025, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước tăng 6,52% so với năm trước. Quy mô GRDP năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1,426 triệu tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng/người, tăng 8,8% so với năm 2023.
Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, GRDP của riêng khu vực nằm trong Vành đai 1 Thủ đô năm 2024 ước đạt khoảng 211.700 tỷ đồng. Con số này được xác lập dựa trên tổng hợp GRDP của quận Hoàn Kiếm cũ, địa bàn gần như nằm trọn trong vành đai 1, cùng với phần đóng góp từ các khu vực thương mại, dịch vụ trọng điểm thuộc quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng cũ, trước khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Việc phân bổ được tính toán theo tỷ lệ diện tích của từng quận cũ nằm trong phạm vi các tuyến đường Vành đai 1, kết hợp với cơ cấu kinh tế đặc thù của từng địa bàn trước sáp nhập.
Như vậy, riêng GRDP khu vực Vành đai 1 đã chiếm khoảng 15% tổng GRDP của cả TP Hà Nội năm 2024, dù địa bàn này chiếm chưa tới 1% diện tích toàn thành phố.
“Phố Wall” của Hà Nội
Bên trong Vành đai 1 cũng là khu vực tập trung dày đặc các hộ dân cư, cửa hàng mặt phố, văn phòng công ty, cơ quan bộ ngành Trung ương, trụ sở hành chính cấp thành phố, bệnh viện lớn, trường đại học trọng điểm và các tuyến phố thương mại truyền thống.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế khu vực này nghiêng về dịch vụ, thương mại, tài chính, hành chính công và bất động sản.
Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm nằm trong khu vực này vẫn thường được giới đầu tư mệnh danh là “Phố Wall” tại Hà Nội khi quy tụ hàng loạt trụ sở hành chính liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội...
Bên cạnh đó, 4 ngân hàng lớn nhất thị trường Việt Nam gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank cùng hàng loạt ngân hàng tư nhân quy mô lớn như Techcombank, SHB, Eximbank, LPBank, TPBank, VIB... các tổng công ty, tập đoàn bảo hiểm, chứng khoán lớn đều đặt trụ sở chính tại khu vực này. Đưa khu vực bên trong Vành đai 1 thành điểm kết nối giữa các tổ chức tài chính tiêu dùng, đầu tư và tín dụng.
Bên trong Vành đai 1 là khu vực kinh tế sôi động bậc nhất Thủ đô. Ảnh: Việt Linh.
Tính riêng nhóm 30 doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu có vốn hóa lớn trên sàn HoSE (VN30), đã có tới 11 doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại khu vực trong Vành đai 1 Thủ đô, với tổng vốn hóa ước đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng.
Không chỉ là trung tâm hành chính và tài chính, khu vực bên trong Vành đai 1 còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn từ hoạt động cho thuê mặt bằng thương mại, một trong những trụ cột thu hút dòng tiền tại vùng lõi Thủ đô.
Các tuyến phố như Hàng Bông, Hàng Gai, Phố Huế, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học... từ lâu đã trở thành “trục xương sống” thương mại truyền thống của Hà Nội, với mật độ cửa hàng dày đặc và lưu lượng tiêu dùng cao.
Cùng với đó là sự hiện diện của các trung tâm thương mại lớn như Tràng Tiền Plaza, Vincom Bà Triệu hay chợ Đồng Xuân...
Theo báo cáo công bố cuối năm 2024 của Công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield (Mỹ), phố Tràng Tiền được xếp hạng 18 trong số 51 tuyến phố có giá thuê mặt bằng bán lẻ cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giá thuê tại Tràng Tiền dao động từ 300 USD/m2/tháng. Riêng Tràng Tiền Plaza - trung tâm thương mại nổi bật của phố này - có mức chào thuê lên tới 328 USD/m2/tháng.
Với giá thuê “ngất ngưởng”, chỉ những thương hiệu xa xỉ như Dolce & Gabbana, Burberry, Gucci, Rolex hay Hublot mới đủ tiềm lực để trụ vững tại khu vực này. Điều này không chỉ phản ánh giá trị thương mại đắt đỏ của khu vực, mà còn cho thấy nội lực kinh tế đặc biệt của vùng lõi đô thị, nơi mỗi m2 mặt phố có thể tạo ra giá trị cao hàng đầu cả nước.
Hồng Nhung