Rằm tháng Giêng (còn gọi là lễ Thượng nguyên, hay Tết Nguyên tiêu) là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam. Trong các ngày rằm trong năm, rằm tháng Giêng được xem trọng nhất, bên cạnh rằm tháng Bảy. Chính vì thế, dân gian ta có câu: "Cả năm được rằm tháng Bảy, cả thảy được rằm tháng Giêng".
Rằm tháng Giêng năm nay rơi vào thứ Tư ngày 12/2 Dương lịch.
Cúng rằm tháng Giêng ở nhà hay trên chùa?
Cúng rằm tháng Giêng tại nhà là truyền thống lâu đời của nhiều gia đình Việt Nam. Việc làm này không chỉ là dịp để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, mà còn là cơ hội để các thành viên trong gia đình quay quần bên nhau, thể hiện tình cảm gia đình đầm ấm. Lễ cúng tại gia có thể đơn giản hoặc cầu kỳ, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình.
Mâm cỗ cúng thường bao gồm các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò lụa, xôi, gà luộc... kèm theo hương hoa, trà thơm, và các lễ vật khác như vàng mã. Ngoài giá trị tâm linh, đây còn là lúc để các gia đình truyền dạy cho con cháu những giá trị văn hóa dân tộc thông qua câu chuyện và nghi lễ.
Lễ cúng rằm tháng Giêng tại nhà. (Ảnh: Vũ Hồng Nhung)
Ngược lại, có người cho rằng việc lên chùa cúng là cần thiết. Đối với họ, chùa chiền là nơi linh thiêng và thanh tịnh, nơi họ có thể dễ dàng gạt bỏ những lo toan đời thường để hướng tâm đến điều thiện lành. Lên chùa, họ không chỉ làm lễ cúng mà còn được tham gia vào các hoạt động tâm linh khác như lễ Phật, nghe thuyết pháp, thăm hỏi chư tăng ni. Nhiều người còn muốn đến chùa để làm lễ cầu an.
Không ít gia đình chọn cách làm lễ ở nhà và trên chùa. Họ cho rằng, cúng ở nhà là để kính nhớ tổ tiên, còn lên chùa là để cầu an, cầu phúc cho bản thân và gia đình. Đây là cách mà nhiều gia đình truyền thống đã duy trì qua bao thế hệ.
Một số người chọn cúng rằm tháng Giêng tại chùa. (Ảnh minh họa: Đào Huy)
Vậy nên, cúng rằm tháng Giêng ở đâu mới đúng? Câu trả lời phụ thuộc vào quan niệm của từng cá nhân và truyền thống của từng gia đình. Mỗi cách cúng mang một ý nghĩa khác nhau và đều mang lại giá trị tinh thần nhất định.
Dù lựa chọn thế nào, điều quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm và ý nguyện tốt đẹp trong việc cầu mong bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Rằm tháng Giêng không chỉ là dịp để thực hiện các nghi lễ tâm linh, mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta sống chậm lại, nhìn nhận lại cuộc sống và hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn.
Có nên cúng trước rằm tháng Giêng?
Năm Ất Tỵ 2025, rằm tháng Giêng rơi vào ngày giữa tuần, thời điểm mà nhiều gia đình có thể gặp khó khăn trong việc sắp xếp công việc để thực hiện lễ cúng một cách trọn vẹn. Chính vì vậy, nhiều người đã linh hoạt chọn cúng trước một vài ngày, vào khoảng 13 hoặc 14 tháng Giêng. Thậm chí, có gia đình chuẩn bị lễ cúng từ ngày 11, 12 tháng Giêng.
Tóm lại, mọi người có thể linh hoạt chuẩn bị và thực hiện lễ cúng theo điều kiện, hoàn cảnh nhà mình. Tuy nhiên, có một lưu ý quan trọng là không nên cúng rằm tháng Giêng quá sớm, vì điều này có thể làm mất đi ý nghĩa nguyên bản của ngày lễ. Việc chọn thời điểm thích hợp cần dựa trên những cân nhắc về phong tục cũng như điều kiện thực tế của mỗi gia đình.
Sự linh hoạt về thời gian cúng rằm tháng Giêng giúp nhiều gia đình duy trì được vẻ đẹp văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại, đồng thời tránh được áp lực về thời gian. Dù lễ cúng diễn ra trước hay đúng ngày, điều cốt yếu vẫn là tấm lòng và sự thành kính mà chúng ta dành cho tổ tiên và thần linh.
Trong cuốn Tìm hiểu văn hóa phương Đông 365 ngày (Nhà xuất bản Thanh Hóa), tác giả Thiên Nhân cho biết thông tin chi tiết về một số khung giờ tốt trong các ngày để cúng rằm tháng Giêng năm 2025.
Ngày 15/01 Âm lịch (Rằm tháng Giêng) giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: Giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).
Ngày 14/01 Âm lịch giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: giờ Thìn (7h-9h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Mùi (13h-15h), giờ Tuất (19h-21h).
Ngày 13/01 Âm lịch giờ tốt để thực hiện lễ cúng là: giờ Mão (5h-7h), giờ Ngọ (11h-13h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h).
Nhật Thùy