Sâu rộng, thực chất
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CÐS tỉnh, nhấn mạnh: “CÐS là một trong những chủ trương lớn, muốn đạt kết quả nhanh, chắc, thì quan trọng hơn hết chính là nhận thức, từ nhận thức, tư duy đến hành động cụ thể, từ cán bộ đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp”.
Năm 2024, Cà Mau đạt được những kết quả đầy ấn tượng về CÐS. Theo báo cáo chỉ số đánh giá CÐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - DTI cấp bộ, cấp tỉnh năm 2023, của Bộ Thông tin và Truyền thông - tháng 2/2025 (cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia về CÐS), thứ hạng chỉ số CÐS tỉnh Cà Mau tăng 23 bậc, đứng thứ 35 cả nước, đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Cửu Long, và là địa phương có sự thăng tiến thứ hạng nhiều nhất cả nước trong năm 2023.
Cà Mau đã hoàn thành số hóa Sổ hộ tịch lịch sử với gần 1,4 triệu dữ liệu, tích hợp vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, và trở thành 1 trong 14 địa phương hoàn thành sớm việc số hóa dữ liệu Sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh theo tiến độ mà Chính phủ đề ra.
Cuối năm 2024, tỉnh đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC), hỗ trợ theo dõi và chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trực tuyến, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành của chính quyền.
Ðồng chí Nguyễn Ðức Hiển (thứ tám từ trái sang), Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Minh Luân (thứ chín từ trái sang), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh tại Lễ khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Cà Mau (IOC) ngày 30/12/2024.
Việc triển khai ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G) đã tích hợp trên 50 ứng dụng, tiện ích, hỗ trợ người dân dễ dàng tương tác, sử dụng dịch vụ số do chính quyền cung cấp. Nhất là việc tích hợp ứng dụng phản ánh hiện trường nhằm đảm bảo việc kết nối giữa chính quyền và người dân ngày càng chặt chẽ hơn, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, giải quyết kịp thời các vấn đề bức thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, hiện đã đạt mức trên 27.000 lượt cài đặt.
Tỉnh đã triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng ở 100% khóm/ấp với lực lượng nòng cốt trên 4.500 thành viên, đưa CÐS đến với từng người dân. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Cà Mau là tỉnh đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành chính sách hỗ trợ, phát huy cao độ hiệu quả hoạt động hệ thống Tổ Công nghệ số cộng đồng.
Phát triển hạ tầng số đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận khi 100% dân số được phủ sóng di động (3G, 4G) với tốc độ cao và chất lượng tốt. Có 100% khóm/ấp trong tỉnh được kết nối cáp quang và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng; tỷ lệ hộ gia đình có Internet băng rộng đạt 95%.
Những kết quả ấn tượng trong CÐS của Cà Mau đã được khẳng định và ghi nhận khi là địa phương đứng đầu trong 2 năm liên tiếp (2023 và 2024) về Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp; xếp thứ 5/63 địa phương về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình...
Nền tảng, đòn bẩy phục vụ phát triển
Tại Hội nghị tổng kết công tác CÐS, Ðề án 06 năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Ðể bước vào kỷ nguyên mới, trong đó có cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, chỉ có áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, CÐS, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số mới có thể điều hành linh hoạt, hiệu quả chính quyền trong bộ máy hệ thống chính trị mới và đáp ứng được các yêu cầu, mục tiêu phát triển”.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ban, ngành tham quan quá trình vận hành, hoạt động của IOC.
Theo đó, tỉnh Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp đột phá thúc đẩy CÐS trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Việc phát triển hạ tầng số, con người số, đẩy mạnh đổi mới công nghệ số mới và xây dựng môi trường số an toàn, tin cậy là bốn yếu tố cốt lõi bảo đảm CÐS thành công, bền vững.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CÐS gắn với cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến phát triển đô thị thông minh và cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Xác định CÐS còn nhiều thách thức, khó khăn, Cà Mau thực hiện phương châm việc dễ làm trước, khó làm sau, chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm để CÐS phải là cơ hội đổi mới, cơ hội để hội nhập và phát triển sâu rộng của địa phương trong bối cảnh mới.
Một ưu tiên lớn của Cà Mau chính là xây dựng nền kinh tế số. Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất và người Cà Mau với các dư địa, tài nguyên với lợi thế so sánh nổi trội, riêng biệt thông qua nền tảng số. Cùng với đó, địa phương tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn về tính minh bạch, tính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại và khả năng tiếp cận, tương tác linh hoạt, tiện lợi trên các nền tảng số cho hoạt động xúc tiến thu hút, mời gọi đầu tư, hợp tác của các đối tác. Việc dẫn đầu bảng xếp hạng đánh giá thực hiện hiệu quả các FTA năm 2024 của Cà Mau là minh chứng thuyết phục, kết quả đáng ghi nhận cho nỗ lực, quyết tâm ấy.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho rằng: “Chìa khóa, nền tảng và đòn bẩy của phát triển trong kỷ nguyên mới chính là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và CÐS. Ðiều này phải bắt đầu, tiên phong từ khu vực công và lan tỏa, thẩm thấu tới từng người dân, toàn xã hội. Và mọi thứ đều phải hướng đến sự thụ hưởng thực chất, lợi ích chính đáng và hạnh phúc của Nhân dân, xây dựng quê hương Cà Mau phát triển giàu đẹp, văn minh”.
Lê Diễm Phúc