Cán bộ Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, chính quyền địa phương, nông dân thăm cánh đồng nếp cái hoa vàng ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến tại xã Hoành Sơn
Vụ mùa năm 2024, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề nhưng đa số diện tích lúa nếp cái hoa vàng canh tác theo mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến ở xã Hoành Sơn (Kinh Môn) sinh trưởng, phát triển tốt.
Năng suất nếp cái hoa vàng tươi tạm tính ước đạt 56,6 tạ/ha, cao hơn 3,4 tạ/ha so với phương pháp canh tác truyền thống; giảm chi phí đầu vào, giảm công lao động; khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt hơn, đặc biệt với các bệnh khô vằn, bạc lá, sâu đục thân, rầy nâu…
Sau khi trừ chi phí, mỗi ha nông dân thu lãi 49,8 triệu đồng, cao hơn 10 triệu đồng so với phương pháp thông thường.
Một nông dân xã Hoành Sơn kiến nghị mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến cần được mở rộng hơn đối với cây hành, tỏi, sắn dây... ở Kinh Môn
Đánh giá trên được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đưa ra tại hội nghị đầu bờ và sơ kết mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống lúa nếp cái hoa vàng tại UBND xã Hoành Sơn sáng 7/11.
Vụ mùa năm 2024, mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống lúa nếp cái hoa vàng được áp dụng tại Hải Dương với quy mô 55 ha, 346 hộ tham gia.
Mô hình chủ yếu được triển khai tại thị xã Kinh Môn, gồm xã Hoành Sơn có 10 ha, 86 hộ; phường Long Xuyên 10 ha, 54 hộ; phường Phạm Thái 10 ha, 54 hộ; phường An Lưu 5 ha, 41 hộ. Còn lại xã Quang Trung (Tứ Kỳ) 10 ha, 66 hộ; phường Văn An (TP Chí Linh) 10 ha, 45 hộ tham gia mô hình.
PV