Những căn nhà cổ vẫn được một số gia đình ở Hải Dương lưu giữ. Trong ảnh: Một căn nhà cổ ở thôn Thượng Bì 1, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (ảnh tư liệu)
Miền ký ức tuổi thơ
Làng tôi xưa rất nghèo, một ngôi làng phần lớn là dân thập phương, tứ chiếng do loạn lạc, phiêu bạt qua nhiều đời về đây sinh sống. Những căn nhà tranh vách đất dựng lên để che nắng, che mưa, lâu dần thành nơi gắn bó nhiều đời, chất chồng bao nhiêu ký ức vui buồn.
Những nhà khá giả hơn cố gắng dựng được chiếc nhà ba gian, hai chái. Gian chính giữa đặt bàn thờ gia tiên. Phía trên treo hoành phi, hai bên có đôi câu đối chữ Nho, nền sơn đỏ, chữ màu đen ánh, với nội dung ước mong về những điều hanh thông, tốt đẹp. Giữa gian kê chiếc phản gỗ tạp, để mỗi khi có khách đến chơi ngồi uống nước. Hai chái nhà là phòng sinh hoạt của cha mẹ, con cái. Giản đơn như thế, nhưng khách vào nhìn những thứ đó cũng có thể hình dung ra nếp sống của gia đình.
Nếu như làng là đơn vị nhỏ nhất của quốc gia, thì gia đình là tế bào của xã hội. Cũng từ ngôi nhà tranh này, con cháu nối tiếp ra đời, uống nước ao làng, ăn lá rau, con tép mà khôn lớn trưởng thành.
Đó là ''thủ đô'' ký ức tuổi thơ của bao thế hệ, nơi chứa đựng bao cay đắng, khó nhọc, tủi hờn, lắng đọng mồ hôi, cả máu và nước mắt. Ở đấy, đã bao lần đi học về bụng đói meo, sờ vào chạn bát chẳng có gì ăn, ra bờ ao hái quả sung còn ương ăn đỡ lòng. Những trưa hè tháng sáu, đầu trần đuổi bắt châu chấu trên ruộng nước, dưới trận mưa giông.
Ở đấy, đất làng là quê hương, ngôi nhà là tổ ấm...
Ông cháu cùng gói bánh chưng ngày xuân
Nếp nhà từ những mái tranh
Cũng bởi vật lộn giữa thiên nhiên khắc nghiệt, cùng biết bao biến cố thăng trầm thế sự để tồn tại, mưu sinh... trải qua hàng nghìn năm, người Việt hình thành nên tính cách. Dẫu khác nhau về nguồn cội, nhân thân, nhưng họ đều chung quan niệm sống: Làm người lấy cái đức làm đầu, ăn ở hiền lành, lương thiện, thuận hòa làng xóm.
Từ rất sớm, gia đình Việt đề cao đạo lý “Tu thân". Đó là cách tu dưỡng bản thân. Từ nhỏ, đứa trẻ đã được cha mẹ khuyên răn: Ở nhà lễ phép, đi về đều biết chào hỏi, thưa gửi. Ra ngoài cư xử, giao tiếp đúng mực. Cảnh nghèo vẫn phải biết tự trọng: “Đói cho sạch, rách cho thơm". Biết kính trên nhường dưới, “Tiên học lễ, hậu học văn”. Tu thân là nền tảng, là căn bản để sau này ra trường đời, dẫu có gặp phong ba, số phận xô đẩy vẫn có thể vững bền chống chọi mà không bị đổ ngã.
Hiếu lễ là một phẩm chất quan trọng của nhân sinh. Hiếu với tổ tiên, cha mẹ. “Trọng lão” còn được ghi thành luật lệ trong hương ước của làng. Dưới triều phong kiến ngày xưa, những đại thần có cha mẹ qua đời, nhà vua đều cho phép về quê thọ tang ba năm mới phải hồi triều làm việc, cho tròn chữ hiếu.
Thời xưa, dù gia cảnh giàu nghèo, mỗi gia đình đều có những quy định về cách ăn, lối ở. Đó là nếp nhà. Có dòng họ hướng con cháu theo nghiệp bút nghiên, ước mong đỗ đạt làm quan, rạng danh tông miếu. Nếu không cũng làm thầy. Có gia đình thiên về nghiệp võ. Hoặc có nhà cho con học nghề nối dõi gia truyền. Một điểm nổi bật là hầu như người Việt đều rất coi trọng phẩm giá: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín - năm đức tính quý của con người. Bậc trí thức xưa có khát vọng: Đã là nam nhi phải “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".
Trong lũy tre làng, từ những ngôi nhà này, có gia đình quây quần chung sống đầm ấm ba, bốn đời, thậm chí năm đời, từ cụ, ông bà, cha mẹ, đến con, cháu. Đó là hình ảnh “Ngũ đại đồng đường", từng được xã hội tôn vinh, kính nể.
Ngày xưa, dù người đi làm ăn xa quanh năm, thì Tết đến vẫn phải tìm cách về nhà sum họp, để tỏ lòng ơn nhớ tổ tiên. Ngày Thanh minh có tục đi tảo mộ, cáo yết tổ tiên. Rồi có tục lệ “Làm chạp" vào cuối năm.
Người đỗ đại khoa, được vinh quy bái tổ, cờ lọng đón rước về làng, thì các tân khoa vẫn phải giữ đạo lý: Sắm lễ tạ thầy dạy học, ra đình bái tạ thành hoàng, kính bái tổ tiên và lạy tạ cha mẹ cùng người thân yêu.
Đó là đạo lý, được bắt nguồn từ nếp nhà của người Việt. Nếp nhà đã được truyền dạy từ lớp trước đến lứa sau, cứ thế ngấm dần trong ý thức, tình cảm, trở thành nét đẹp cốt cách, gia phong.
Gia phong - nét văn hóa cổ truyền
Nếp nhà được truyền dạy từ đời này sang đời khác
Theo Từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh, gia phong là: “Thói nhà, tập quán, giáo dục trong gia tộc”. Gia phong không tự nhiên sinh ra, mà phải học: “Nhân bất học, bất tri lý”. Cuốn sách Ngũ tự kinh đã răn dạy: “Dĩ tử kim mãn doanh, hà như giáo nhất kinh” (Để cho con đầy hòm vàng, sao bằng dạy con một quyển sách).
Vàng ở đây có trong sách!
Không chỉ có gia phong, gia đạo, người xưa còn trọng gia lễ (nghi lễ truyền thống gia đình). Nước có quốc pháp, nhà có gia quy! Và gia quy chính là quy phạm chuẩn mực của mỗi gia đình. Cũng từ đó mới có tiếng thơm (gia thanh) của dòng tộc, rồi tạo thành “gia thế" - thế lực của dòng họ.
Gia phong - một nét đẹp văn hóa cổ truyền, đã tạo bản lĩnh cho mọi thành viên trong gia đình hòa nhập với mọi biến thiên của cuộc sống. Đó chính là tấm chắn ngăn chặn sự thâm nhập tiêu cực từ xã hội vào trong gia đình, gia tộc, để bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa. Trong đó, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", ơn nhớ tổ tiên được thể hiện trong đời sống hằng ngày.
Cuộc sống không ngừng vận động. Ngày nay, trong luồng gió đổi mới và đô thị hóa, cùng với sự xuất hiện của các khu công nghiệp, khu chung cư… nhận thức, tư duy của con người trong xã hội cũng dần thay đổi. Về làng quê bây giờ rất hiếm gặp cảnh ngày xưa. Những ngôi nhà tranh bên chiếc ao làng, nằm sâu cuối con đường nhỏ men theo bờ ruộng… tất cả đã đi vào dĩ vãng.
Trai tráng trong làng, ngoài phố đa số đi học, lập nghiệp, lấy vợ... Nhiều người lễ Tết mới về quê thăm cha mẹ, thăm quê. Ít còn cảnh quây quần “tam, tứ, ngũ đại đồng đường” như xưa. Nhưng ký ức về nét đẹp nếp nhà xưa mãi mãi được lưu giữ trong tâm hồn con người.
Cuộc sống không đứng yên. Nếp nhà cũng thay đổi. Nhưng dù thời nào, nơi ấy cũng dung dưỡng, hình thành những giá trị truyền thống, nét đẹp xưa kết hợp hài hòa với thời hiện đại, tương lai cũng vậy, tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc Việt trong dòng chảy hội nhập, văn minh.
KHÚC THIÊN TRANG