Nét dân tộc trong thiết kế đương đại

Nét dân tộc trong thiết kế đương đại
14 giờ trướcBài gốc
Ý thức tạo dựng không gian sống
Qua các thời đại, mỗi lúc đồ dùng sinh hoạt được cải tiến thì lề lối chế biến đồ ăn thức uống tiến bộ hơn, hình dáng đồ đạc cũng thay đổi theo. Chõng tre, hòm gian, sập gụ, tủ chè chỉ là nét của từng thời đại. Nét chính của dân tộc là lối sống giản đơn, tiện ngồi, tiện nằm, sẵn tay dễ lấy. Chỉ cần chúng ta có ý thức giữ gì bỏ gì, khéo thu xếp, có nhiệt tình với cuộc sống mới thì bình cũ rượu mới càng ngon. Nhưng thách thức hiện nay là nét chính của dân tộc có còn là lối sống giản đơn nữa hay không? Vấn đề này được họa sĩ Trịnh Lữ đặt ra trong một hội thảo mới đây.
Góc trưng bày tái hiện lối bài trí nội thất phòng khách của Hà Nội xưa. Ảnh: Thái Minh
Từ phân tích quan điểm của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 - 1997) về tính dân tộc trong thiết kế nội thất, họa sĩ Trịnh Lữ gợi mở về lối sống của dân tộc như cơ sở tìm ra tính dân tộc trong thiết kế nội thất đương đại. Đầu thế kỷ XX, thương hiệu MÉMO thổi làn gió mới về phong cách thiết kế nội thất và người chủ - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã đem lại ảnh hưởng lớn về cách sống, tư duy nghề nghiệp. Theo Trịnh Hữu Ngọc nhà ở là chỗ phản ánh đúng nhất trình độ ý thức của con người. Chúng ta không nên coi thường sự trang hoàng nhà cửa. Khẩu hiệu “Đẹp - Khoa học - Dân tộc - Đại chúng” có thể là kim chỉ nam cho việc sắm sửa, bày biện nhà cửa.
Nét dân tộc không phải ở sập gụ tủ chè hay đường cong nét chạm. Nét dân tộc chính là nếp sống giản dị, đã chịu nhiều thử thách của thời gian, tồn tại trong cuộc sống của đa số nhân dân. Nó cũng không phải ở cái chõng tre, cái hòm gian, ban thờ, hay cái giường rẻ quạt, cái ghế ba nan, đấy cũng chỉ là dấu vết của thời đại. Nếp sống giản dị không có buồng ăn, buồng ngủ riêng biệt, không có tủ to, giường nặng, nệm cao, chăn dày. Nếp sống giản dị có cái đẹp vạn năng - tỏ rõ tính giản đơn cao độ không biết phô trương khoe mẽ, không nô lệ hàng hóa…
Họa sĩ Trịnh Lữ phân tích, nghề kiến trúc và thiết kế nội thất là tạo dựng không gian sống cho con người. Để làm tốt công việc kiến trúc và thiết kế nội thất ở Việt Nam đòi hỏi sự hiểu biết và mẫn cảm sâu sắc đối với bản chất của người Việt, biết họ thích sống nếp sống như thế nào... Từ đó, đòi hỏi mỗi cá nhân theo ngành phải có ý thức, xác định được mục đích muốn đóng góp gì cho xã hội bằng nghề nghiệp của mình. “Suy cho cùng vẫn nằm trong triết lý thiết kế nội thất là để thúc đẩy một nếp sống, cảm hứng sáng tạo và mang đến giải pháp nghề nghiệp thực sự nhân văn, giản dị”, họa sĩ Trịnh Lữ nói.
Kế thừa và phát huy giá trị
Từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc nội thất, kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất Nguyễn Hoàng Mạnh cho biết, đa phần thiết kế của anh nương vào yếu tố bản địa. Với sự đa dạng về địa hình tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán và chất liệu nghệ thuật qua các thời kỳ, bản sắc Việt chính là nguồn tài sản quý báu của thiết kế nội thất. “Trong thời đại toàn cầu hóa, nhà thiết kế nội thất Việt có nhiều công cụ hơn, dễ dàng tiếp cận các xu hướng, trào lưu đến từ các nền thiết kế nội thất lớn trên thế giới, nhưng sự học hỏi thiếu chọn lọc và bỏ quên ý thức về nét dân tộc, về nếp sống sẽ rất khó tạo nên dấu ấn đặc sắc trong các thiết kế”.
Nhìn rộng ra trong mỹ thuật ứng dụng, TS. Ngô Thị Hồng Giang, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cho rằng, sự phát triển của các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng từ tối thiểu, thô sơ đến ngày một nâng cao từ công năng đến thẩm mỹ dần đáp ứng nhu cầu đa dạng trong đời sống hiện đại. Tùy vào điều kiện phát triển của xã hội và tư duy nhận thức, nhu cầu thị hiếu của con người mà mỹ thuật ứng dụng được biểu hiện ở mức độ, tính chất, phạm vi khác nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên, tất cả không thể tách rời giá trị văn hóa.
Trên thực tế, soi chiếu quá trình phát triển đời sống văn hóa kiến trúc, phong cách đồ đạc nội thất Việt Nam, dường như chúng ta chưa có sự nghiên cứu, phân tích, hệ thống một cách kỹ lưỡng. Những dấu ấn, đặc sắc truyền thống được nhận diện hiện nay hầu như đến từ hình ảnh nội thất qua các công trình cổ, nhà ở dân gian… Trong khi đó, phần lớn đồ nội thất Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa ngoại lai như Trung Quốc, Pháp… Điều này càng đặt ra yêu cầu phát huy giá trị văn hóa Việt trong thiết kế nội thất đương đại.
Theo các chuyên gia, phát triển mỹ thuật ứng dụng, trong đó có thiết kế nội thất bên cạnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng đóng vai trò to lớn trong bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống; đồng thời thể hiện dấu ấn sáng tạo trong quá trình hội nhập, giúp định hình đặc trưng, bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngoài công năng, cần chú trọng khai thác giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa thể hiện qua hoa văn, ký tự, màu sắc, chất liệu, chủ đề và kỹ thuật truyền thống...
“Đặc biệt, trong thiết kế cần kết hợp và kế thừa kỹ thuật truyền thống với nguyên tắc thiết kế hiện đại để cho ra những sản phẩm “đánh” trúng thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được nét độc đáo, sáng tạo đặc trưng. Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ giúp cho các thiết kế hiện đại ngày càng phát triển song không vì thế mà giá trị thẩm mỹ và văn hóa truyền thống bị lãng quên. Bởi trong xu thế phát triển, hội nhập, nét độc đáo của văn hóa dân tộc chính là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm thiết kế, khiến cho sản phẩm có hồn hơn gắn với đời sống tinh thần và vật chất của cộng đồng”, TS. Ngô Thị Hồng Giang nhận định.
Hải Đường
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/net-dan-toc-trong-thiet-ke-duong-dai-post401484.html