Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thanh Trì Nguyễn Danh Huy, có thể thấy, những không gian Tết xưa được tái hiện dù ở đâu đều như thay lời khẳng định từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của người Việt.
Không khí, không gian Tết cổ truyền dân tộc luôn mang những giá trị văn hóa, tinh thần trường tồn theo thời gian, nên dù bằng cách này hay cách khác vẫn luôn hiện hữu trong mỗi gia đình Việt qua hương vị ẩm thực Tết đặc trưng của bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, mứt quả, của sắc đào mai rực rỡ, của tiếng pháo rộn ràng và của khoảnh khắc tình thân sum vầy, ấm cúng cùng nhau đón năm mới an lành, hạnh phúc.
Các đại biểu tham quan gian hàng của các đội thi.
Xuất phát từ những ý nghĩa thiêng liêng ấy; để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy tình yêu với những giá trị truyền thống của dân tộc, LĐLĐ huyện Thanh Trì đã tổ chức Hội thi “Tái hiện không gian Tết xưa”.
Tham dự Hội thi có 6 đội thi đến từ hơn 300 Công đoàn cơ sở (CĐCS) đơn vị, trường học, doanh nghiệp. Trong đó, lĩnh vực giáo dục chia làm 4 khối (mầm non 2 đội, tiểu học 1 đội, trung học cơ sở 1 đội), khối xã - thị trấn 1 đội và khối doanh nghiệp 1 đội.
Bằng đôi bàn tay khéo léo và những ý tưởng sáng tạo dồi dào, các đoàn viên Công đoàn của hơn 300 CĐCS đơn vị, doanh nghiệp huyện Thanh Trì đã tạo nên một không gian mang đậm nét cổ truyền.
Tết xưa thì không thể thiếu đào và quất, cả hoa lay ơn và thược dược nữa, đó cũng là những loại hoa đặc trưng của Tết ở miền bắc. Tết cũng không thể thiếu bánh chưng, trong không khí đầm ấm, vui tươi người thì dọn dẹp, người thì rửa lá dong, người thì luộc lá mùi tạo nên bức tranh sinh động ngày Tết cổ truyền xưa. Không gian phong tục Tết truyền thống mô tả không khí chuẩn bị đón Tết, phong tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết,... cũng được tái hiện qua những không gian sống động.
Các đội thi tái hiện gian hàng mậu dịch xưa.
Giới thiệu về không gian Tết xưa của Đội thi số 4, đại diện Đội cho biết: “Trong không gian ngày Tết, phòng khách đóng vai trò như trái tim của mỗi ngôi nhà. Phòng khách không chỉ là nơi tiếp khách, mà còn là không gian gắn kết gia đình, trao gửi những lời chúc phúc và chia sẻ niềm vui. Như nhà văn Pháp André Maurois từng nói: “Gia đình là một kiệt tác cần nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và tình yêu”, và phòng khách chính là nơi bắt nguồn cho kiệt tác đó.
Chúng tôi lựa chọn chủ đề tái hiện phòng khách Tết xưa để mang đến cho quý vị không gian ấm áp, gợi nhắc những ngày Tết cổ truyền đầy yêu thương. Từng chi tiết trong phòng đều được chăm chút để tái hiện rõ nét những giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt”.
Không thể thiếu trong phòng khách Tết xưa là hình ảnh bánh chưng xanh đặt trên mâm cỗ, hoặc bàn tiếp khách. Bánh chưng gói ghém cả hương vị của đất trời, biểu tượng cho sự no đủ, đầm ấm của gia đình. Bánh thường được bày chung với mâm ngũ quả - gồm 5 loại quả tượng trưng cho ngũ hành, mang ý nghĩa cầu chúc tài lộc, sức khỏe và bình an. Việc bày biện bánh chưng và mâm ngũ quả trên bàn tiếp khách còn thể hiện sự tôn kính, hiếu khách của gia đình trong dịp đầu năm mới.
Hội thi “Tái hiện không gian Tết xưa” đã thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn đăng ký tham gia, tạo không khí sôi nổi trước thềm năm mới; đồng thời duy trì, phát huy các giá trị văn hóa Tết cổ truyền của người Việt và có sức lan tỏa, làm cho công nhân lao động thấy được sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đến đoàn viên, NLĐ nhân dịp Tết đến Xuân về. Qua đó đoàn viên, NLĐ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba cho các đội tham gia.
Một số hình ảnh đẹp không gian Tết xưa:
Bảo Thoa