Nét đẹp độc đáo của đền Quế Quốc và cây đa Ba cội

Nét đẹp độc đáo của đền Quế Quốc và cây đa Ba cội
8 ngày trướcBài gốc
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt, nhân dân trong xã không chỉ phát triển đời sống văn hóa hiện đại mà còn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử nhằm giữ gìn nét đẹp độc đáo của quê hương. Một trong số đó là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - đền Quế Quốc và cây đa Ba cội tại thôn Yên Tĩnh - hình ảnh đã gắn với tuổi thơ của bao thế hệ người dân nơi đây.
Đền Quế Quốc có lịch sử xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ XVIII, thờ 5 vị thần gồm: Đức Kha Đảo Sơn phu nhân, Chính Toàn Thiên Tiên công chúa, Tản Viên sơn thánh, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Trần Khắc Chung. Tương truyền, các vị đã có công phù giúp đất nước đánh giặc ngoại xâm, giúp đỡ nhân dân trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.
Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Quế Quốc (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Sông Lô).
Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử, ngôi đền từ thế kỷ XVIII bị xuống cấp, chỉ còn lại dấu vết của nền móng và những tảng đá kê chân cột. Năm 2015, chính quyền và nhân dân địa phương đã cùng nhau hưng công, đóng góp sức người, sức của tôn tạo xây dựng ngôi đền trên nền đất cũ.
Đền Quế Quốc được xây dựng theo lối kiến trúc mở, hòa hợp với thiên nhiên và môi trường cảnh quan, mặt bằng kiến trúc kiểu “chữ Đinh” với tiền tế 3 gian và 1 gian hậu cung. Bên trong có một giếng làng với niên đại hàng trăm năm tuổi, quanh năm nguồn nước luôn đầy để phục vụ đời sống của nhân dân địa phương.
Với những giá trị văn hóa cốt lõi được bảo tồn và phát huy, năm 2023, đền Quế Quốc đã vinh dự được đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thể hiện sự tôn vinh và tri ân những đóng góp, công lao của các bậc tiền nhân, tiền bối đối với quê hương, đất nước. Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Quế Quốc cũng là nơi để giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ sau này.
Nhắc đến đền Quế Quốc, không thể không nhắc đến lễ hội kéo dây song, đây là lễ hội chính và lớn nhất của thôn Yên Tĩnh. Đến hẹn lại lên, hằng năm nhằm ngày mùng 6 tháng Giêng, trong khuôn viên đền Quế Quốc sẽ diễn ra nhiều hoạt động hành lễ tâm linh, giao lưu văn nghệ, chơi kéo dây song, đánh đu, bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, thi đấu các môn thể thao… thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự nhằm mang đến không khí an vui, tinh thần đoàn kết của nhân dân và hi vọng, mong cầu vào một năm mới an khang, thịnh vượng.
Lễ hội kéo dây song không chỉ là dịp tri ân các bậc tiền nhân có công với làng, với nước, mà còn là cơ hội để quảng bá bản sắc văn hóa mang đậm nét thanh bình, yên vui của làng gắn với truyền thống lúa nước lâu đời.
Bên cạnh khuôn viên đền Quế Quốc còn có một “di sản” gắn liền với bao thế hệ người dân của thôn Yên Tĩnh, đó là cây đa Ba cội. Lý giải về cái tên độc đáo này, người dân tại thôn Yên Tĩnh cho biết Ba cội có nghĩa là 3 gốc 3 thân cùng trên 1 cây.
Có người nói đây là cây đa có 2 cây con mọc từ trong hốc cây mẹ, do chim ăn quả đa nhả hạt trên thân cây mẹ mà phát triển ra; lại có ý kiến cho rằng đây là loài cây có bộ rễ khí, vốn chỉ có một cây mà thôi nhưng bộ rễ khí của nó phát triển thành thân cây khi chạm được đến mặt đất. Đến hiện tại vẫn chưa có một kiểm chứng nào được đưa ra đầy đủ về tuổi đời cũng như nguồn gốc đặc biệt của cây đa Ba cội này.
Cây đa Ba cội, nét đẹp cổ kính của vùng quê thôn Yên Tĩnh (Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Sông Lô).
Những người cao tuổi ở đây kể rằng, không biết cây đa Ba cội này đã có tự bao giờ, nhưng hình ảnh cây đa đã gắn liền với các cụ cao niên nơi đây từ thời thơ ấu, trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao nhiêu thời gian, cây đa Ba cội vẫn uy nghiêm sừng sững giữa đất trời để tiếp nối đến thế hệ con em trong thôn đến tận ngày nay. Trong những hoạt động thường ngày của người dân hoặc trong những dịp lễ hội, hình ảnh cây đa Ba cội luôn gắn bó, không thể tách rời và đã in sâu vào tâm khảm của bao thế hệ.
Với sự thay đổi của đời sống hiện đại, việc chính quyền, nhân dân trong xã Đồng Thịnh nói chung và thôn Yên Tĩnh nói riêng cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, để những giá trị văn hóa, các điểm di tích lịch sử thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn hóa - xã hội trong tương lai.
Huyền Linh
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126395//net-dep-doc-dao-cua-den-que-quoc-va-cay-da-ba-coi