Nét đẹp nhà vườn

Nét đẹp nhà vườn
13 giờ trướcBài gốc
Gần 40 năm với ruộng lúa
Ông Nguyễn Văn Mọi (55 tuổi, ngụ ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) đã gắn bó với cây lúa từ năm 18 tuổi. Đến nay, sau 37 năm, ông vẫn kiên trì với nghề, canh tác gần 9ha lúa, trong đó, khoảng 5ha là đất thuê. Mỗi năm, ông làm 3 vụ, theo dõi chặt chẽ từng giai đoạn phát triển để kịp thời xử lý sâu bệnh, bón phân, chăm sóc.
Những năm gần đây, ông áp dụng tiến bộ kỹ thuật, như: Dùng máy bay không người lái (drone) phun thuốc, máy gặt đập liên hợp... giúp giảm sức lao động. Theo ông, hiện nay đất ruộng không còn được phù sa bồi đắp dồi dào như trước, khiến việc canh tác trở nên vất vả, đòi hỏi phải sử dụng nhiều phân bón để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Chính vì thế, nông dân phải học hỏi, cập nhật kiến thức mới để mang lại hiệu quả cao trong canh tác.
Ông Mọi dùng máy bay bón phân cho lúa
Ông Mọi tâm sự: “Nghề này vất vả, mà bỏ thì không đành. Dù đất đai cạn kiệt phù sa, phân bón đắt đỏ, giá lúa bấp bênh, tôi vẫn ra đồng từ 5 giờ sáng. Mỗi công lúa, tôi đầu tư khoảng 4 triệu đồng, mà năng suất không ổn định thì coi như công cốc. Hồi nhỏ theo cha ra đồng, cực nhưng thành quen. Vụ nào lúa trổ bông vàng đều, nhìn là thấy vui trong lòng. Dẫu không rộn ràng như nghề khác, nhưng với tôi, đó là công việc gắn bó cả đời”.
Nông dân đa năng “vừa rẫy vừa ruộng”
Ở xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới), ông Nguyễn Trọng Phương (53 tuổi) đã quen mặt với người dân trong vùng bởi sự cần mẫn và sáng tạo trong canh tác. Gia đình ông có 6 công đất trồng rau màu, cây ăn trái, thêm 9 công đất thuê để trồng lúa. Khác với cách làm truyền thống, ông canh tác kết hợp rau màu, cây ăn trái và lúa. Các loại rau như cải xanh, cải thìa, xà lách, dưa leo, cà, tần ô... được trồng xen kẽ quanh năm.
Ngoài việc chủ động mùa vụ theo nhu cầu thị trường, ông còn lắp đặt hệ thống tưới tự động xoay vòng, giúp giảm công lao động mà vẫn đảm bảo hiệu quả tưới tiêu. Tuy không đầu tư nhà kính vì chi phí cao, nhưng ông vẫn tìm tòi cải tiến. Bên cạnh đó, ông tận dụng kiến thức từ trồng rau áp dụng sang cho ruộng lúa, tạo thành chuỗi canh tác hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả.
Ông Phương kể: “Hồi nhỏ theo cha đi ruộng, mần miết hoài cũng quen. Hàng ngày, tôi ra đồng từ tờ mờ sáng, có khi phải làm tới khuya mới kịp giao rau cho cho khách. Tôi làm số lượng ít, chủ yếu tự tay chăm sóc nên ít tốn chi phí, nhưng lại cực. Mỗi loại cây một cách chăm riêng, mưa nắng thất thường phải xoay trở cho kịp. Cái nghề này phải chịu khó, vừa học từ người khác, vừa mày mò từ kinh nghiệm thực tế. Gặp vụ rau bị bệnh, tôi xử lý tốt nên sau này áp dụng luôn cho lúa. Tôi thấy, nghề nông bây giờ không chỉ dựa vào sức, mà còn phải có kiến thức mới tồn tại được. Chính vì vậy, nếu ai gắn bó được thì cũng thương nó lắm, bỏ không đặng”.
Dù cuộc sống hiện đại có nhiều lựa chọn hơn, nhưng vẫn còn những nông dân như ông Mọi, ông Phương âm thầm gắn bó với ruộng vườn. Họ hiểu đất, thương cây, lấy lao động làm niềm vui, lấy sự nhọc nhằn đổi lấy từng bữa cơm no đủ cho gia đình và xã hội. Ngoài họ, còn rất nhiều nông dân đang góp phần duy trì nền nông nghiệp Việt Nam trong thời đại mới.
Điều cần thiết lúc này là khơi gợi niềm tin vào nghề nông, đồng thời hỗ trợ bà con tiếp cận công nghệ, có đầu ra ổn định để nông nghiệp phát triển bền vững. Nghề nông không hề lỗi thời, chỉ cần được tiếp sức bởi tri thức, đổi mới và đam mê, thì dù nắng cháy hay mưa dầm, nông dân Việt vẫn luôn là hình ảnh đẹp đầy nhân văn.
NGUYỄN XÊ
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/net-dep-nha-vuon-a420046.html