Thời gian qua, công tác chăm lo cho người có công và gia đình người có công với cách mạng được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực. Qua đó, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đền đáp phần nào công lao to lớn của người có công và gia đình người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chăm sóc sức khỏe người có công ở Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Hưng Yên.
Trong các cuộc kháng chiến, hàng vạn người con ưu tú của quê hương Hưng Yên đã lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, toàn tỉnh có trên 75.000 liệt sĩ cùng hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ông Phạm Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã hết lòng chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Bằng tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân với công lao của thế hệ đi trước, tỉnh Hưng Yên thường xuyên làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động phong phú, ý nghĩa như phát động phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chăm sóc thân nhân liệt sĩ. Cùng với đó, tỉnh huy động các nguồn lực xây mới và sửa chữa nhà cho các gia đình người có công; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; cải tạo, nâng cấp, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người có công và gia đình liệt sĩ nhân ngày lễ, tết...
Ông Bùi Văn Quyết, Phó Trưởng phòng Người có công, Sở Nội vụ chia sẻ: Hiện nay, Sở đang thực hiện trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 75.000 người và thân nhân người có công với cách mạng. Mỗi dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và của cơ quan, tổ chức cho người có công và thân nhân người có công. Phối hợp với các ngành thực hiện xã hội hóa chăm sóc người có công và gia đình người có công với cách mạng; thăm, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, hỗ trợ cải thiện về nhà ở. Sở Nội vụ đã thực hiện chế độ điều dưỡng; chế độ hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; chế độ ưu đãi giáo dục đào tạo; chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với hàng chục nghìn người có công và thân nhân người có công.
Để tri ân các anh hùng liệt sĩ, hằng năm, tỉnh thành lập đoàn đại biểu đi dâng hương, viếng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Điện Biên và Tuyên Quang...; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các xã, phường đã tổ chức thăm, tặng quà, động viên một số gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh; tổ chức lễ cầu siêu và thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ dịp 27/7. Đồng thời, lựa chọn những người có công tiêu biểu dự hội nghị gặp mặt người có công tiêu biểu toàn quốc. Việc quan tâm, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ được tỉnh quan tâm thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 332 công trình ghi công liệt sĩ. Các công trình cơ bản được xây dựng bằng vật liệu cứng bền vững, ngày một khang trang hơn, sạch đẹp hơn, trở thành những công trình văn hóa tâm linh, biểu thị tình cảm, lòng tri ân của thế hệ hôm nay với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc.
Theo bà Đặng Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Người có công, Sở Nội vụ: Một trong những việc làm ý nghĩa là xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa cho các gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ. Cuối năm 2024, hưởng ứng lời kêu gọi chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Hưng Yên đã vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao nhằm mang lại cho gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ cuộc sống tốt đẹp hơn. Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tỉnh Hưng Yên đã sớm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ với tổng số 1.529 căn nhà được xây mới và sửa chữa. Chia sẻ niềm vui được an cư trong ngôi nhà mới, ông Nguyễn Mạnh Đảng, xã Tiền Hải cho biết: Tôi đang hưởng trợ cấp của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Do sức khỏe yếu nên nhiều năm nay bản thân không lao động được việc nặng, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Căn nhà cấp bốn được xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Tôi rất vui mừng và phấn khởi bởi tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để tôi có được nơi ở mới kiên cố và an toàn. Nơi ở mới có diện tích trên 50m2 với nền móng cứng, tường cứng và mái cứng giúp gia đình tôi yên tâm sinh sống.
Có thể nói, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công với cách mạng đã đạt được kết quả tốt. Người có công ngày càng được chăm sóc tốt hơn về vật chất và tinh thần, đời sống được nâng lên rõ rệt. “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người dân nơi đây với sự cống hiến, hy sinh của người có công với cách mạng.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Vũ Quý
Đỗ Hồng Gia