Là một trong những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng trong vùng Tây Bắc, tọa lạc bên bờ sông Hồng, tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, đền Thượng đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến du xuân và đi lễ đầu năm. Sở dĩ có được điều này là bởi ngôi đền này thờ phụng người Anh hùng dân tộc vĩ đại Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn 3 lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh thắng giặc xâm lược Nguyên - Mông, cách đây hơn 700 năm, đến nay vẫn giữ được vẻ cổ kính, tôn nghiêm.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Dịp tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi lựa chọn đền Thượng là điểm đến đầu tiên trong hành trình du xuân. Ngay từ sáng mùng 1 Tết, cả gia đình đã tới đây để làm lễ, đó là truyền thống hằng năm của gia đình tôi. Đây không chỉ là dịp cầu mong bình an, may mắn mà còn là cách để dạy bảo các con, cháu thể hiện lòng thành kính và biết ơn, ghi nhớ công lao chống giặc ngoại xâm của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc”.
Ông Ngô Ngọc Hà, Trưởng Ban Quản lý Di tích thành phố Lào Cai cho biết: “Hằng năm, UBND thành phố tổ chức Lễ hội đền Thượng để người dân và du khách thập phương tưởng nhớ công lao của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong tháng Giêng năm nay, Lễ hội đền Thượng Xuân Ất Tỵ năm 2025 có nhiều hoạt động đặc sắc, mang đậm sắc màu văn hóa về mảnh đất và con người Lào Cai”.
Ngày nay, hoạt động du xuân của người dân rất đa dạng và phong phú. Mỗi người có thể chọn đi du xuân đến những vùng đất xa xôi, tham quan danh lam thắng cảnh, hoặc đến những ngôi đền, chùa gần nơi mình sinh sống để vãn cảnh, xin lộc đầu năm, gạt bỏ muộn phiền, âu lo của năm cũ và đón chào năm mới với nhiều niềm hy vọng.
Tại chùa Tân Bảo, thành phố Lào Cai, mỗi ngày có hàng trăm người đến thắp những nén hương thơm và dành cho nhau lời chúc mừng năm mới tốt đẹp. Người cầu tài, người cầu sức khỏe, người cầu may mắn, có người đến xin chữ đầu năm đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất; cũng có người đến chùa để tâm hồn tĩnh lặng, suy ngẫm về cuộc sống hướng đến điều thiện lành, an yên.
Chị Nguyễn Hà Anh, ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai cho biết: “Nhiều năm nay, trong ngày đầu xuân mới, tôi thường đi lễ chùa để tỏ lòng biết ơn đối với những điều tốt đẹp mà bản thân và gia đình có được trong năm qua. Chùa là nơi thanh tịnh, linh thiêng nên mỗi khi đến chùa, tôi cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng, thư thái”.
Thời điểm mọi người đi lễ đầu năm thường vào khoảnh khắc giao thừa và sáng mùng 1 tết, kéo dài tới hết tháng Giêng. Đây cũng là khoảng thời gian các điểm tâm linh tổ chức nhiều hoạt động, thu hút đông người dân đến tham dự. Khi đi lễ chùa, đền, người dân thường chuẩn bị lễ vật dâng cúng: hương thơm, hoa quả, bánh kẹo… để cầu may mắn. Sau khi thực hiện các nghi thức: thắp hương, cầu nguyện, xin chữ đầu năm… người dân sẽ vãn cảnh đền chùa hoặc tham gia các hoạt động lễ hội tại chỗ.
Tỉnh Lào Cai hiện có 54 di tích được xếp hạng, trong đó, trên 30 di tích lịch sử văn hóa. Hệ thống di tích này phân bổ ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, gắn với tín ngưỡng hoặc các danh nhân, sự kiện lịch sử và có giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử văn hóa. Qua đó, thể hiện những dấu ấn đặc trưng của vùng đất, tộc người và bản sắc văn hóa bản địa, góp phần quan trọng làm nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc của văn hóa miền biên viễn Lào Cai.
Để sẵn sàng đón khách du xuân, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với nét đẹp văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao Lào Cai, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa, trong và ngoài nước n
Thi Khanh