Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên còn được người dân địa phương gọi là chùa Khỉ, ban đầu chỉ là một am nhỏ tọa lạc dưới chân núi Minh Đạm, thị trấn Phước Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, nay là xã Phước Hải, TPHCM.
Năm 1987, Đại đức Thích Thông Luận đã về sửa chữa ngôi chùa này và tu hành nơi đây.
Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Hưng
Trúc Lâm Chân Nguyên được xây dựng giữa núi rừng, bên những tảng đá lớn, giữa một không gian bình yên.
Đặc biệt, đây còn là nơi trú ngụ của đàn khỉ đuôi dài hơn 200 con, được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có đàn khỉ thiên nhiên nhiều nhất”.
Thiền viện được thiết kế theo lối kiến trúc Phật giáo truyền thống với những nét chạm khắc tinh xảo, cấu trúc hài hòa với thiên nhiên.
Cổng tam quan được xây dựng với 3 lối đi, tượng trưng cho 3 cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới trong Phật giáo.
Tiếp đến là lầu chuông và lầu trống được bố trí tại lối dẫn vào khu vực chánh điện.
Bên trong chánh điện là nơi tôn thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và các vị Bồ Tát. Không gian của chánh điện rộng rãi, thanh tịnh với những bức phù điêu chạm khắc hoa văn tinh xảo. Đây là nơi diễn ra các buổi tụng kinh, cầu nguyện và thiền định.
Bao quanh thiền viện là khu vườn thiền tĩnh lặng với những con đường nhỏ uốn lượn, các tảng đá xếp chồng lên nhau được khắc chữ thư pháp và những khóm hoa xanh.
Từ trên núi Minh Đạm, đàn khỉ thường xuống tìm kiếm thức ăn vào sáng sớm và chiều muộn. Đến khi mặt trời lặn, chúng lại trở về hang.
Nhiều người thường đến thiền viện vào mỗi buổi chiều để cho đàn khỉ ăn.
Con đường rợp bóng mát dẫn vào thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên với không gian yên tĩnh. Hiện nay, thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên không chỉ là nơi tu hành của tăng ni, phật tử mà còn là một điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa đến ngắm cảnh.
Quang Hưng