Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn, phần lớn người dân sinh sống là đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Dao, Hà Nhì... Hiện nay, huyện có 9 lễ hội tiêu biểu: Nàng Han, cốm mới, Then Kin Pang, đua thuyền của đồng bào dân tộc Thái các xã: Mường So, Khổng Lào và thị trấn Phong Thổ; lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông xã Dào San; lễ hội tết quả trứng hay còn gọi là Gạ Ma Hư Già của đồng bào dân tộc Hà Nhì xã Sì Lở Lầu; lễ hội cúng rừng dân tộc Mông xã Tung Qua Lìn…
Các thôn về dâng hương trong Lễ hội Nàng Han xã Mường So năm 2025.
Các lễ hội đã được các địa phương khôi phục, duy trì từ nhiều năm nay với quy mô cấp xã và thường được tổ chức vào dịp những tháng đầu năm với mục đích cầu may mắn, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, bản làng bình yên. Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ, một số lễ hội đã được nâng tầm quy mô tổ chức. Ví dụ như Lễ hội Then Kin Pang được nâng tầm quy mô từ cấp xã lên cấp huyện và năm 2025 cũng là năm đầu tiên Lễ hội Then Kin Pang được UBND tỉnh Lai Châu tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông xã Dào San được phục dựng năm 2006 và duy trì thường niên ở quy mô cấp xã. Năm 2020, Lễ hội Gầu Tào được công nhận là di sản văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia. Từ năm 2023 đến nay, lễ hội Gầu Tào đã được nâng tầm quy mô tổ chức lên cấp huyện.
Trong mỗi lễ hội đều có những điểm mới tạo dấu ấn, sức hấp dẫn hơn so với những năm trước như: mở rộng đối tượng tham gia, đưa vào các môn thể thao, hoạt động mới mang tính trải nghiệm. Dù vậy có một nội dung nổi bật xuyên suốt các lễ hội qua thời gian vẫn được giữ gìn đó chính là nét văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trong từng lễ hội. Khi đến với Lễ hội Then Kin Pang năm 2025 tổ chức tại xã Khổng Lào trong 2 ngày 6,7/4, nhân dân và du khách gần xa được tham gia, tìm hiểu rất nhiều các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái từ các tiết mục văn nghệ biểu diễn với áo cóm, váy nhung cùng các đạo cụ: đàn tính, hoa, nón, quạt, khăn đến thi trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào Thái trong ngày cưới, ngày lễ.
Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại Lễ hội Then Kin Pang năm 2025 do UBND tỉnh Lai Châu tổ chức tại xã Khổng Lào.
Chị Phùng Thị Loan – Du khách đến từ tỉnh Ninh Bình chia sẻ, lần đầu tiên đến với Lai Châu tôi may mắn đến đúng vào dịp UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ hội Then Kin Pang tại xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ). Tôi thấy lễ hội mang nét đặc trưng riêng khi có rất nhiều những món ăn ngon, độc lạ từ các loại côn trùng rồi màn trình diễn 6 điệu xòe cổ có hàng trăm người tham gia. Tôi cũng rất thích phần trình diễn Áp hô pang (gội đầu); tái hiện cuộc sống sông nước của dân tộc Thái và tái hiện té tục nước cầu may.
Trong khi đó, đến với Lễ hội Nàng Han là dịp để người dân, du khách thỏa sức tìm hiểu về câu chuyện nữ tướng Nàng Han chống giặc ngoại xâm; xem trình diễn lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu; thi, trải nghiệm các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian. Lễ hội Gầu tào huyện Phong Thổ năm 2025 lại hấp dẫn khi có môn thi gói bánh chưng đen, thi văn nghệ và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông, thi nấu thắng cố, giã bánh dày, xay ngô mèn mén, thi các môn thể thao dân tộc: đẩy gậy, ném pao, đánh cầu lông gà, tù lu, kéo co, bắn nỏ...
Đồng chí Trần Bảo Trung – Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, những năm qua huyện Phong Thổ luôn quan tâm đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Huyện duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống để quảng bá văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đến với bà con nhân dân và du khách gần xa. Thực tế rất nhiều du khách biết đến và đến thăm quan, trải nghiệm tại huyện vào dịp thường ngày và các lễ hội.
Các đội thi giã bánh giầy tại Lễ hội Gầu tào huyện Phong Thổ năm 2025 tổ chức tại xã Dào San.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn huyện đã thu hút trên 55 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn huyện, vượt 10% kế hoạch, tăng 48,65% so với năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 20 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 8,11% so với năm 2023. Trong khi đó, từ đầu năm 2025 đến nay cũng đã có rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Có thể thấy, việc phục dựng, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống tại huyện Phong Thổ đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.
Thanh Hoa Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả