Ở xã hội Trung Quốc cổ đại, hôn nhân không chỉ là sự gắn kết của tình yêu đôi lứa, mà còn là một chiến lược liên kết giữa hai gia tộc. Các cuộc hôn nhân thường được sắp đặt từ trước, thậm chí ngay từ khi hai người còn nhỏ, nhằm đảm bảo sự nối dõi tông đường, duy trì vị thế xã hội và tăng cường phúc lộc cho gia đình.
Theo thời gian, mục đích của hôn nhân dần thay đổi, song đám cưới Trung Quốc vẫn luôn mang đậm ý nghĩa về sự hòa hợp, thịnh vượng và lòng tôn kính đối với truyền thống gia đình.
Ảnh minh họa (Nguồn: Pexels)
Điều gì làm cho đám cưới của người Trung Quốc trở nên đặc biệt?
Đám cưới của người Trung Quốc có nhiều yếu tố độc đáo, mọi khía cạnh đều chứa đựng ý nghĩa sâu sắc hơn. Từ màu sắc, lễ vật đến nghi lễ, tất cả đều nhằm cầu chúc cho đôi vợ chồng một cuộc sống hòa thuận, viên mãn.
Một trong những giá trị được đề cao nhất chính là lòng hiếu thảo, thể hiện qua những nghi lễ tôn kính cha mẹ và bậc trưởng bối trong suốt quá trình cưới hỏi.
Nghi lễ trước đám cưới
Lễ nạp tài
Lễ nạp tài là một trong những nghi thức đầu tiên trong đám cưới truyền thống, thể hiện việc đính hôn chính thức. Gia đình chú rể sẽ mang lễ vật đến nhà gái, bao gồm trà, rượu, trái cây và các vật phẩm mang tính biểu tượng. Gia đình cô dâu sẽ đáp lễ bằng những món quà dành cho chú rể. Đây là dịp hai bên gia đình gặp gỡ, tăng cường mối quan hệ, đồng thời thể hiện cam kết gắn bó lâu dài của chú rể với cô dâu.
Quà tặng đính hôn thông thường
Chọn ngày tốt
Theo truyền thống Trung Quốc, việc chọn ngày cưới thuận lợi là điều cần thiết để đảm bảo hạnh phúc và sự hòa hợp trong tương lai. Các cặp đôi thường nhờ thầy bói hoặc người am hiểu lịch âm để chọn ngày tốt dựa theo tuổi, cung mệnh và yếu tố phong thủy. Ngày cưới được chọn không chỉ tránh ngày xấu mà còn phải hứa hẹn mang lại hạnh phúc, may mắn lâu dài cho đôi vợ chồng.
Lễ chải tóc
Vào đêm trước ngày cưới, cô dâu và chú rể sẽ thực hiện lễ chải tóc – một nghi lễ đánh dấu bước chuyển mình từ thiếu niên sang người trưởng thành. Nghi lễ do cha mẹ hoặc người lớn tuổi trong nhà thực hiện, với mỗi lượt chải tượng trưng cho một lời chúc tốt lành, như: “Trăm năm hạnh phúc”, “Con cháu đầy nhà”.
Những yếu tố đậm chất Trung Quốc
Màu đỏ biểu tượng của phúc lành
Khác với phương Tây, cô dâu mặc áo trắng, đám cưới Trung Quốc lấy màu đỏ làm chủ đạo. Màu đỏ tượng trưng cho may mắn, hỷ sự và hạnh phúc. Cô dâu thường mặc sườn xám đỏ hoặc áo cưới truyền thống thêu rồng phượng. Màu đỏ cũng hiện diện khắp nơi trong tiệc cưới: từ thiệp mời, lồng đèn đến bao lì xì. Trong khi đó, màu trắng lại mang ý nghĩa tang tóc, nên thường tránh dùng.
Biểu tượng song hỷ
Một khía cạnh độc đáo khác của đám cưới Trung Quốc là việc sử dụng biểu tượng “song hỷ”, được thể hiện nổi bật trong lễ cưới. Ký tự truyền thống Trung Quốc này tượng trưng cho niềm vui và sự hòa hợp trong hôn nhân, thường được thấy trong thiệp mời, đồ trang trí và quà tặng.
Điều này thể hiện hy vọng của cặp đôi về một cuộc hôn nhân thành công và hạnh phúc, tượng trưng cho một mối quan hệ trọn đời tràn đầy hạnh phúc.
Trang phục và truyền thống cưới
Trang phục cưới thể hiện sự trang trọng và địa vị của đôi tân lang tân nương. Cô dâu thường mặc sườn xám đỏ, hoặc bộ khoác cưới truyền thống Kua, được thêu rồng (biểu tượng nam tính) và phượng (biểu tượng nữ tính), hàm ý hòa hợp âm dương.
Chú rể có thể mặc trường sam màu đỏ hoặc đen, hoặc vest hiện đại – tùy theo sự lựa chọn của cả hai, nhưng thường được phối màu và hoa văn hài hòa với cô dâu.
Ảnh minh họa
Các nghi lễ trong ngày cưới
Lễ phá cổng rước dâu
Một phần không thể thiếu trong đám cưới là nghi lễ rước dâu. Trước khi chú rể được phép gặp cô dâu, anh cùng phù rể phải vượt qua các “cửa ải” do phù dâu đặt ra – từ giải đố, thực hiện thử thách, đến trao bao lì xì. Nghi lễ vừa vui nhộn, vừa thể hiện lòng chân thành của chú rể.
Lễ trà
Lễ dâng trà là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất. Cô dâu chú rể quỳ gối dâng trà lên cha mẹ và bậc trưởng bối hai bên để thể hiện lòng biết ơn, hiếu kính. Đáp lại, người lớn sẽ ban lời chúc phúc và trao tặng bao lì xì – tượng trưng cho tài lộc và khởi đầu viên mãn.
Ảnh minh họa
Bao lì xì
Thay vì tặng đồ gia dụng như đám cưới phương Tây, khách mời trong đám cưới Trung Quốc thường tặng bao lì xì chứa tiền. Số tiền thường kết thúc bằng số chẵn – vì số lẻ gợi đến tang lễ. Bao lì xì không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn là lời chúc phúc dồi dào cho đôi tân hôn.
Tiệc cưới truyền thống
Tiệc cưới thường là một buổi yến tiệc linh đình với từ 8 đến 12 món – mỗi món mang một ý nghĩa tốt lành. Ví dụ: cá (dư dả), tôm hùm (niềm vui, hòa hợp), mì (trường thọ), trứng (sinh sản). Việc cùng nhau thưởng thức các món ăn này là một cách thể hiện lời chúc phúc cho cuộc sống chung sắp tới.
Múa lân và pháo
Múa lân và đốt pháo là những hoạt động phổ biến trong đám cưới để xua đuổi tà khí và mang lại cát lành. Múa lân biểu tượng cho sức mạnh, thịnh vượng; còn tiếng pháo rộn ràng báo hiệu niềm vui, khởi đầu mới đầy may mắn.
T. Linh (Theo Visiontimes)