Nét duyên chợ quê Mai Sơn

Nét duyên chợ quê Mai Sơn
một ngày trướcBài gốc
Người dân địa phương đến chợ đều mặc trang phục truyền thống như một cách lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Chợ họp vào mỗi thứ Bảy hằng tuần. Từ tờ mờ sáng, bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao... đã lục tục gùi hàng xuống chợ. Những đôi chân thoăn thoắt trên con đường bê tông rộng rãi với những chiếc gùi tre chất đầy măng, ngô, khoai hay lỉnh kỉnh gà, vịt, thậm chí cả các sản phẩm đan lát thủ công, bánh đặc sản địa phương.
Cụ Lý Văn Dềnh, 76 tuổi, người thôn Sơn Bắc cười thật hiền khi được hỏi về phiên chợ: "Tôi đi chợ Mai Sơn từ cái hồi còn cõng thúng đựng mèn mén theo mẹ. Chợ ngày xưa lợp tranh, sạp chỉ là mấy tấm liếp trải đất. Giờ chợ khang trang hơn nhưng tình người vẫn thế, gặp nhau là cười, là hỏi thăm nhau chuyện nhà, chuyện nương…”.
Chợ Mai Sơn không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa bà con các xã vùng cao. Những sản vật được bày bán đều mang đậm bản sắc địa phương: những chiếc bánh chưng đen - món quà không thể thiếu trong mỗi dịp lễ tết; những củ khoai môn tím mướt mắt, vịt bầu béo núc, cá bỗng suối đá thơm ngon…
Chị Triệu Thị Phượng, người bán bánh chưng đen vừa thoăn thoắt bó bánh vừa chia sẻ: "Mỗi phiên chợ, nhà tôi gói chừng 50 cái bánh chưng đen, dùng gạo nếp nương và lá cây núc nác rừng cho màu đen tự nhiên. Khách tới chợ không ai là không mua về vài cái. Có khách Hà Nội còn đặt gửi cả vài chục bánh mỗi lần”. Trong góc chợ, cụ bà người Dao đỏ đang bán những bó rau rừng tươi rói: rau dớn, tầm bóp, lá đắng...
"Tôi không trồng rau, chỉ hái từ rừng về. Khách dưới xuôi thích lắm, bảo ăn vừa mát vừa lạ miệng” - bà cười rạng rỡ, đôi bàn tay rám nắng vẫn thoăn thoắt lựa rau.
Không chỉ người địa phương, chợ Mai Sơn còn hấp dẫn với cả du khách mỗi dịp cuối tuần. Chị Lê Thu Hương, du khách từ thành phố Hà Nội lần đầu đến với Lục Yên xúc động kể: "Tôi thấy như lạc vào một bức tranh sống động của miền núi. Chợ không chỉ để mua bán mà còn là nơi lưu giữ cả văn hóa, lối sống. Tôi được ăn thử bánh chưng đen, ngồi xem các bà, các mẹ thêu thổ cẩm, đan vật dụng từ tre mà lòng cứ thấy ấm áp lạ kỳ...”.
Gần trưa, chợ vẫn rộn ràng tiếng cười nói. Các gian hàng đan lát, rượu men lá, mắm cá suối hay những món ăn dân dã như mèn mén… thơm lừng mời gọi. Dưới mái chợ đơn sơ, những câu chuyện đời thường được sẻ chia, những cái bắt tay, ánh mắt hiền hậu là minh chứng cho một cộng đồng nông thôn giàu tình nghĩa.
Ông Âu Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng giữ gìn bản sắc chợ quê. Không chỉ nâng cấp hạ tầng mà còn tổ chức các hoạt động văn hóa như trình diễn then, múa khèn, làm bánh, dệt thổ cẩm… để du khách có thể trải nghiệm, hiểu và yêu hơn vùng đất này”.
Giữa thời đại của siêu thị, sàn thương mại điện tử, một phiên chợ nhỏ như Mai Sơn vẫn sống động và đầy sức hấp dẫn bởi không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn là không gian bảo tồn văn hóa, kết nối cộng đồng. Cũng chính ở nơi đây, giữa những sạp hàng mộc mạc, người ta bắt gặp vẻ đẹp dung dị của tình quê, của con người miền sơn cước Yên Bái - chân chất mà sâu đậm ân tình.
Anh Dũng
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/13/350170/net-duyen-cho-que-mai-son.aspx