Huyện Bảo Thắng đang triển khai xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao nên các xã, thị trấn trên địa bàn đều đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông, nhà ở và các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…, do đó khối lượng hồ sơ công việc cần giải quyết liên quan đến đất đai, xây dựng chiếm tỷ lệ khá lớn. Địa phương đã bố trí công chức địa chính đủ số lượng, chất lượng nhằm đảm bảo làm tốt công tác tham mưu cho UBND cùng cấp quản lý lĩnh vực đất đai, xây dựng theo quy định pháp luật. Hầu hết xã, thị trấn có 2 công chức địa chính trở lên, với những địa phương trọng điểm thì bố trí 3 công chức địa chính. Tuy nhiên, thời gian qua có một số công chức địa chính không làm tròn nhiệm vụ hoặc bị tha hóa dẫn đến làm sai các quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Bảo Thắng có 11 cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật thuộc lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, trong đó có 5 công chức địa chính.
Hẳn nhiều người vẫn nhớ vụ án xảy ra tại xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng) liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai khiến công chức địa chính xã là Phạm Văn Bách vướng vòng lao lý. Theo đó, từ năm 2016 - 2020, Phạm Văn Bách đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý lập khống các tài liệu, hợp thức hóa hồ sơ để tham mưu cho Chủ tịch UBND xã xác nhận sai nguồn gốc sử dụng đất, mục đích sử dụng đất đề nghị UBND huyện Bảo Thắng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sai quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật cho một số hộ dân. Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, hành vi vi phạm của Phạm Văn Bách và 1 cán bộ xã đã tạo điều kiện cho một số hộ dân chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định để tách thửa, bán, chuyển nhượng cho nhiều người khác, thu về tổng số tiền gần 5,4 tỷ đồng.
Khi vụ việc trên chưa lắng xuống thì ngay trong đầu tháng 10 vừa qua, cơ quan chức năng huyện Bảo Thắng tiếp tục thực hiện quy trình xử lý kỷ luật thêm 2 công chức địa chính xã Phú Nhuận vì thiếu trách nhiệm dẫn đến thực thi nhiệm vụ, công vụ không đúng quy định, quy trình gây hậu quả cho Nhà nước trong quản lý đất đai. 2 công chức địa chính xã Phú Nhuận trong quá trình công tác đã thiếu kiểm tra, dung túng cho một số hộ dân xây dựng công trình trái phép trên đất rừng, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây ảnh hưởng đến tài sản Nhà nước và dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Theo ông Phạm Văn Viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bảo Thắng, qua thực tế kiểm tra các công chức địa chính có dấu hiệu vi phạm cho thấy đa số xuất phát từ nguyên nhân chủ quan là chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; thiếu trách nhiệm dẫn đến thực thi nhiệm vụ, công vụ không đúng hoặc cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thu hồi đất. Nguyên nhân khách quan là những quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng chưa đồng bộ dẫn đến việc hiểu và áp dụng gặp nhiều khó khăn…
Thành phố Lào Cai hiện có 10 phường, 7 xã. Trong vài năm gần đây, chính quyền địa phương đã quan tâm nâng cao chất lượng công chức địa chính ở các xã, phường, vì thế trong số 55 công chức địa chính có 52 người có trình độ đại học, 2 người có trình độ thạc sỹ.
Thời gian qua, tốc độ phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng trên địa bàn tăng cao nên công tác quản lý đất đai, xây dựng, môi trường đặt ra rất nặng nề và khó khăn; một số công chức địa chính xã, phường đã không làm tròn chức trách, nhiệm vụ dẫn đến sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng ở cơ sở, thậm chí có công chức địa chính lợi dụng để tư lợi cá nhân… đẩy chính quyền sở tại vào thế khó, phải tìm cách khắc phục, chấn chỉnh sai phạm trong thời gian dài.
Ông Trần Thái Học, Trưởng Phòng Nội vụ thành phố Lào Cai.
Trong số các vụ việc vi phạm thì đáng nói nhất là vụ vi phạm của Hà Thanh Tuyên, công chức địa chính xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai. Theo đó, từ năm 2021, khi các hộ dân trong xã đến xin cấp phép xây dựng nhà ở, Tuyên tự tính số tiền “thuế bao thầu xây dựng”, thu của 23 hộ gần 95 triệu đồng mà không hề có biên lai, hóa đơn. Sau đó, Tuyên đã giữ lại gần 70 triệu đồng để tiêu xài cá nhân mà không nộp vào ngân sách nhà nước. Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Công an thành phố Lào Cai ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hà Thanh Tuyên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp của thành phố Lào Cai đã kiểm tra và kiên quyết xử lý nhiều cán bộ, công chức liên quan đến đất đai, trong đó hầu hết là công chức địa chính ở các xã, phường. Riêng năm 2023 và 9 tháng năm 2024, thành phố Lào Cai đã phát hiện, xử lý 3 công chức địa chính vi phạm các quy định về quản lý đất đai và xây dựng…, trong đó có 2 người bị kỷ luật buộc thôi việc, 1 người bị khiển trách; ngoài ra có 2 công chức địa chính không đủ năng lực trình độ buộc phải chuyển công tác hoặc xin nghỉ.
Về cơ bản, đội ngũ công chức địa chính ở các địa phương trong tỉnh có đủ năng lực trình độ để hoàn thành công việc được giao. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương tùy theo điều kiện đặc thù mà cấp ủy đảng, chính quyền lại phân công thêm nhiệm vụ cho họ, vì thế một số công chức địa chính xã phải kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác như lĩnh vực giao thông, thương mại, môi trường; tham gia các hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, quản lý khoáng sản, phát triển giao thông và thủy lợi... Với khối lượng công việc lớn như vậy, việc hoàn thành nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Công An, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền cơ sở, Sở Nội vụ.
Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng có một số công chức trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đảm bảo, chưa nêu cao đạo đức công vụ dẫn đến việc vi phạm các quy định về quản lý đất đai và xây dựng… khi thực hiện nhiệm vụ. Tính từ năm 2022 đến nay, qua thanh tra, kiểm tra, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý kỷ luật 27 công chức địa chính. Cụ thể, năm 2022 kỷ luật 11 người (cảnh cáo 3 người), năm 2023 kỷ luật 12 người (cảnh cáo 3 người, buộc thôi việc 2 người) và 6 tháng năm 2024 kỷ luật 4 người (cảnh cáo 1 người). Trước thực trạng này, việc quan tâm xây dựng đội ngũ công chức địa chính vừa đủ về số lượng vừa đảm bảo về chất lượng cần được chính quyền các cấp quan tâm đặc biệt.
Trong bối cảnh tốc độ phát triển đô thị; nông nghiệp, nông thôn và xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi… ở các địa phương đang diễn ra nhanh thì yêu cầu nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ công chức địa chính - xây dựng cấp xã đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để giải quyết vấn đề này, ngành nội vụ cần chủ động tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch xây dựng đội ngũ công chức địa chính đạt chuẩn theo quy định tại Quyết định 29/2024/QĐ-UBND; tăng cường chất lượng công tác tuyển dụng, sử dụng công chức địa chính; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát việc thực thi công vụ của công chức địa chính gắn với thực hiện định kỳ luân chuyển vị trí công tác.
Vũ Sơn - Khánh Ly