Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị quy định Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện là thành viên cứng của UBND cấp huyện. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Ngày 13/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước.
Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị quy định Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện là thành viên cứng của UBND cấp huyện.
"Ngành công an có chủ trương rất rõ là bỏ công an cấp huyện. Như tôi được biết, Bộ Quốc phòng chưa có ý kiến chỉ đạo về cơ quan quân sự cấp huyện. Do đó, nếu trong luật không quy định rõ thành viên UBND phụ trách công tác quân sự ở cấp huyện thì đương nhiên tới đây cấp huyện sẽ không có đồng chí phụ trách công tác quân sự là thành viên ủy ban", Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết.
Đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định rõ ràng trong phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Theo kinh nghiệm công tác từ địa phương và phụ trách công tác quân sự cấp huyện, tỉnh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nhận thấy chính quyền địa phương ở cấp nào thì phải có cơ quan quân sự là cơ quan tham mưu ở cấp đó.
"Như các đồng chí đã biết, cơ quan quân sự địa phương không phải cơ quan trực thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính là công tác tham mưu về công tác quốc phòng địa phương. Công tác quân sự thì chịu trách nhiệm của ngành dọc còn công tác quốc phòng địa phương thì chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, UBND và một số nhiệm vụ khác không thể tách rời với địa phương. Nếu còn UBND cấp huyện thì phải có cơ quan quân sự cấp huyện", Trung tướng Nguyễn Hải Hưng nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ 3 khái niệm về phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Đồng tình với quan điểm của đại biểu Hưng, đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét kỹ lưỡng quy định này.
Với kinh nghiệm từng là người đứng đầu UBND tỉnh Hải Dương, đại biểu Triệu Thế Hùng đánh giá dự thảo luật đã quy định rõ ràng trong phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ.
Về nội dung liên quan đến cơ quan quân sự cấp huyện, đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị xem xét, đánh giá một cách căn cơ khi xây dựng luật. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lực lượng quân đội ở địa phương còn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng cùng chính quyền địa phương như khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra. Việc xây dựng quy định trong luật cần được xem xét một cách căn cơ, có đánh giá từ thực tiễn hiện nay trong công tác điều hành, hoạt động.
Cùng góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ 3 khái niệm về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để thể chế hóa thành quy định cụ thể.
Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung khái niệm, nhất là làm rõ nội hàm của phân cấp, phân quyền và trách nhiệm, quyền được phân cấp, được phân quyền, được ủy quyền. Khi các khái niệm này được làm rõ mới xử lý được các nội dung có liên quan như khen thưởng, xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là xử lý vi phạm hình sự.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ nguyên tắc áp dụng giữa 2 luật đang có xung đột. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ nguyên tắc áp dụng do có sự xung đột giữa dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, 2 luật này dự kiến được ban hành trong cùng 1 kỳ họp này nhưng đang có sự xung đột. Do đó, cần làm rõ nguyên tắc áp dụng giữa 2 luật.
Đồng thời, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đề nghị cần xem xét quy định đầy đủ để thống nhất, tránh xung đột như trong các dự thảo hiện nay.
PHONG TUYẾT