Nếu đi học còn nặng thành tích, dạy thêm còn tiêu cực

Nếu đi học còn nặng thành tích, dạy thêm còn tiêu cực
8 giờ trướcBài gốc
Mới đây, đại diện cho ngành giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có những chia sẻ về Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
Ông Phạm Ngọc Thưởng đánh giá trước bối cảnh dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường. Nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý.
Vì vậy, Thông tư 29 ra đời nhằm để thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, các quy định của pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thứ trưởng nhấn mạnh, quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ "không cấm". Việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường, không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.
Đặc biệt, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo. Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình GDPT 2018 đã thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết đến thời điểm hiện tại, qua theo dõi dư luận, các quy định của Thông tư nhận được sự đồng tình từ xã hội.
"Như vậy, tổng thể để quản lý một vấn đề "lớn, khó" như dạy thêm, học thêm đã được thể hiện thông qua các quy định của Thông tư 29. Bây giờ là quá trình thực hiện, trong đó hiểu, làm đúng trách nhiệm của các bên là yếu tố quyết định để Thông tư 29 thực sự đi vào cuộc sống", ông Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ.
Để quy định mới mang lại kết quả, lãnh đạo ngành giáo dục cho rằng trách nhiệm của các nhà trường và thầy cô, là dạy học để học sinh hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra; việc ra đề kiểm tra, đánh giá cũng đảm bảo đúng, đủ với những yêu cầu cần đạt của chương trình.
Thi cử còn nặng nề thì học thêm còn tiêu cực.
"Với những học sinh thực sự còn đang yếu kém, còn đang lúng túng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trách nhiệm của nhà trường, giáo viên là bổ trợ cho các em. Khi chúng ta xác định được trách nhiệm như vậy những vấn đề khác sẽ không còn nặng nề", Thứ trưởng nói.
Bên cạnh đó, chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, ông Thưởng nhấn mạnh còn rất cần sự thấu hiểu, vào cuộc, giám sát của phụ huynh và xã hội. Khi phụ huynh vẫn còn nặng nề về thành tích học tập của con, còn chưa yên tâm chỉ vì con không đi học thêm, còn chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài giáo dục nhà trường… thì khi đó dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại ở góc độ tiêu cực.
Sự giám sát của xã hội đối với việc thực hiện Thông tư quy định dạy thêm, học thêm cũng rất quan trọng để quy định được thực hiện hiệu quả.
Về giải pháp, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tập trung đổi mới kiểm tra đánh giá vào các thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018.
Các bài kiểm tra phải đảm bảo không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh. Cùng với đó, đảm bảo đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. Tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.
Nguyễn Hoa Trà
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/neu-di-hoc-con-nang-thanh-tich-day-them-con-tieu-cuc-20425021021031266.htm