Ảnh minh họa.
Cập nhật triển vọng vĩ mô và thị trường tiền tệ mới đưa ra, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường của Chứng khoán VnDirect, cho rằng các yếu tố gây áp lực tỷ giá từ bên ngoài đã quay trở lại vào đầu tháng 5, khi chỉ số DXY phục hồi đáng kể, vượt mốc 100 vào ngày 01/05 và sau đó vượt mốc 101 vào ngày 12/05.
DXY phục hồi trong bối cảnh Anh và Trung Quốc đạt một số kết quả trong đàm phán thương mại với Mỹ. Đáng chú ý, trong khi sự phục hồi của DXY tiếp tục gây áp lực lên đồng VND, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt nâng tỷ giá trung tâm lên 24.973 VND/USD vào ngày 13/05, mức cao nhất từ trước đến nay, mặt khác, điều này đã giúp kìm hãm đà tăng giá trước đó của một số đồng tiền trong khu vực trong T4/25, bao gồm Nhân dân tệ Trung Quốc, Baht Thái và Ringgit Malaysia.
Quay trở lại tháng 4/2025, những đồng tiền này đã tăng giá đáng kể so với đồng bạc xanh, gây ảnh hưởng lên khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Thậm chí, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã phải mua vào 6 tỷ USD để điều tiết đồng Đô la Hồng Kông.
Chuyên gia của VnDirect dự báo tỷ giá sẽ chứng kiến biến động mạnh hơn trong ngắn hạn, chủ yếu do những thay đổi mang tính bất ngờ trong bối cảnh thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đáng kể đến quỹ đạo của chỉ số DXY.
Thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ sắp tới được kỳ vọng sẽ là yếu tố then chốt trong việc ổn định thị trường ngoại hối của Việt Nam. Nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận giảm thuế xuống dưới 25%, kết quả này sẽ bảo vệ dòng vốn FDI và FII, thúc đẩy sự ổn định hơn của đồng VND, và ngược lại. Tuy nhiên, điều quan trọng cần thừa nhận là một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể sẽ đòi hỏi chúng ta phải gia tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, điều này sẽ gây thêm áp lực mất giá cho đồng VND.
Ở thời điểm này, VnDirect không quá lo ngại vào mức độ mất giá của đồng VND hiện tại, khi 4 tháng năm 2024 chứng kiến VND mất giá gần 5%, buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán ra 6 tỷ USD dự trữ. Thay vào đó, ông Đinh Quang Hinh đặc biệt thận trọng đối với khả năng biến động mạnh của tỷ giá USD/VND, điều mà có hại tới tỷ giá hơn cả. Do đó, kết quả của thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ ít nhất sẽ cung cấp những tín hiệu rõ ràng hơn cho thị trường, từ đó giảm bớt những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối.
Tính đến ngày 08/05, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đạt 4,80%/năm, không đổi so với cuối tháng 4 (sv -0,01 điểm % trong T3/25) và -0,06 điểm % kể từ đầu năm. Lãi suất tiền gửi tiếp tục xu hướng giảm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng tốc, đạt 4,27% tính đến ngày 18/04, cao hơn mức 1,48% vào tháng 4 năm ngoái.
VnDirect giữ nguyên dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,8- 5,0%/năm, phản ánh quan điểm rằng lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản thông qua môi trường lãi suất liên ngân hàng thấp hơn.
Khi thanh khoản dồi dào với lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm xuống 2,35% vào ngày 25/04, Ngân hàng Nhà nước đã giảm quy mô phát hành các hợp đồng cho vay OMO, dẫn đến lượng OMO đáo hạn lớn hơn lượng phát hành mới. Khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm sau đó phục hồi từ mức thấp này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng qua kênh OMO, đưa số dư OMO từ đầu năm đến ngày 09/05 lên 75,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,9 tỷ USD).
Hoạt động quản lý thanh khoản chủ động này đã giúp ổn định lãi suất liên ngân hàng qua đêm quanh ngưỡng 4%.
Trong thời gian tới, nếu Fed thực hiện 2-3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, thị trường hiện đang kỳ vọng vào 2 đợt cắt giảm, với lần đầu tiên vào tháng 9/2025, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ có thêm dư địa để linh hoạt nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này có thể được thực hiện bằng cách hạ lãi suất OMO từ mức 4%/năm hiện tại, hoặc, và trong kịch bản nới lỏng mạnh hơn, Ngân hàng Nhàn ước có thể sẽ cân nhắc giảm lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản để kích thích tăng trưởng tín dụng và củng cố mục tiêu GDP.
Thu Minh