Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Ảnh minh họa
Theo đó, phương án ưu tiên (phương án 2) là nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng. Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ có hiệu lực từ kỳ tính thuế năm 2026.
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt, giá cả hàng hóa và thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh trong những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ hiện tại không còn phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân.
Từ đó, Bộ Tài chính đã đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Phương án đầu tiên là điều chỉnh mức giảm trừ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lũy kế từ năm 2020 đến năm 2025. Theo tính toán, mức điều chỉnh này có thể tăng khoảng 21,24%. Nếu áp dụng phương án này, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ đạt khoảng 13,3 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc sẽ là 5,3 triệu đồng/tháng.
Phương án thứ hai được Bộ Tài chính ưu tiên là điều chỉnh mức giảm trừ theo tốc độ tăng thu nhập bình quân và GDP bình quân đầu người. Mức giảm trừ đề xuất cho phương án này là 15,5 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc.
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu phương án 1 được thông qua, ngân sách có thể mất khoảng 12.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong trường hợp phương án 2 được áp dụng, con số này có thể lên tới 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng phần hụt thu này có thể được bù đắp từ việc tăng thu thuế tiêu dùng nhờ vào việc tăng thu nhập khả dụng của người dân, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tài khóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP. Bộ Tài chính đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và có thể đạt hai con số nếu điều kiện thuận lợi. Điều này sẽ tạo ra nguồn thu bổ sung cho ngân sách nhà nước, phần nào bù đắp cho số hụt thu từ chính sách điều chỉnh giảm trừ gia cảnh.
Để đảm bảo cân đối ngân sách trong bối cảnh giảm thu từ thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính nhấn mạnh việc tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước. Các biện pháp như cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và mở rộng hóa đơn điện tử sẽ được triển khai mạnh mẽ.
Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng cường thu thuế từ các lĩnh vực kinh doanh online, bất động sản và thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ người nộp thuế và quản lý nợ thuế hiệu quả hơn.
Bên cạnh việc quản lý thu thuế, Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi tiêu, tránh lãng phí ngân sách, đồng thời sử dụng các nguồn lực dự phòng để đáp ứng các nhu cầu cấp bách như phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ phát sinh trong tình huống khẩn cấp./.
THÙY ANH