Ảnh minh họa.
Thị trường đã tăng một đoạn dài, cho đến phiên giao dịch hôm nay chỉ còn 28 điểm nữa thôi VN-Index chính thức quay về vùng đỉnh lịch sử của năm 2022, đạt 1.500 điểm. Mặc dù vậy, trên thị trường phái sinh lại có những đợt biến động gây cháy tài khoản nhà đầu tư.
Lý giải về tình trạng này, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng trong giai đoạn vừa rồi, khi VN30F1M nằm dưới 1.480 điểm, đã có tâm lý thận trọng, nhiều nhà đầu tư không tin rằng nhịp tăng này sẽ mạnh như vậy.
Đặc biệt, những cây nến ở 1.470 – 1.480 điểm rất ngắn, biến động hẹp trong phiên. Trong giai đoạn trên, tâm lý có dấu hiệu chững lại, chờ đợi. Đặc biệt, vào đầu tháng 7, nhà đầu tư lo ngại về câu chuyện Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế quan. Chênh lệch giữa VN30F1M và VN30 rất cao, có lúc lên tới âm 10 – 20 điểm, cho thấy tâm lý thận trọng chiếm tỷ trọng cao trên thị trường. Cho đến khi ông Trump tuyên bố thuế quan cụ thể với Việt Nam, thì chênh lệch giữa VN30F1M và VN30 mới bắt đầu có dấu hiệu thu hẹp.
Khi chỉ số tăng rất mạnh, vượt qua mốc 1.550 điểm thì sự chênh lệch thu hẹp rất nhanh, vị thế mở bắt đầu tăng rất cao trở lại.
Khi giá tăng, vị thế mở tăng đồng nghĩa xu hướng long (mua vào) chiếm chủ đạo. Đến giai đoạn hiện tại, khi VN30 gần sát 1.600 điểm thì mức biến động của VN30F1M trở nên rất cao. Cách đây hai phiên, xuất hiện một cây nến với bấc trên rất dài (cây short-hunting), khiến nhà đầu tư short (bán ra) phải cắt
lỗ.
Kể từ khi áp dụng hệ thống KRX, đã có những cây nến long hoặc short- hunting rất rõ ràng. Hệ thống mới cho phép khối lượng giao dịch lớn, có thể là robot trading (giao dịch bằng robot), được phép tham gia. Do vậy, giao dịch phái sinh kể từ khi có KRX rất khốc liệt.
Nhà đầu tư cần luôn luôn tuân thủ các yếu tố như xu hướng, vùng kháng cự. Nhà đầu tư sẽ không thể short được nếu tín hiệu cho thấy thị trường vẫn tích cực và có thể yên tâm long nếu thị trường trong xu hướng đi lên.
Trong giai đoạn này, rất khó short khi xu hướng thị trường vẫn đang rất mạnh mẽ, chưa có đứt gãy. Thị trường chỉ biến động trong vùng dao động lớn, vì vậy cả ở chiều long và short, nhà đầu tư cần cân nhắc vào vị thế khi có ưu thế vì giá. Trong phiên cuối tuần trước, vị thế mở đã giảm xuống rất thấp, cho thấy tại vùng kháng cự xoay quanh ngưỡng 1.600 điểm, rất nhiều nhà đầu tư không dám nắm giữ qua đêm mà chỉ giao dịch trong phiên.
"Giai đoạn này hết sức nhạy cảm, bởi nếu có bất kỳ biến động nào, diễn biến đảo chiều sẽ rất nhanh. Nhưng nếu vẫn chưa đảo chiều, thị trường vẫn sẽ rất mạnh mẽ. Do đó, nhà đầu tư muốn short nên chờ đợi cho đến khi xu hướng đảo chiều", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS).
Cũng theo ông Sơn, giai đoạn này nhà đầu tư không nên đoán đỉnh thị trường cơ sở. Khi thị trường đã vào giai đoạn tăng nóng, có thể tăng rất FOMO và có nhịp tăng quá đà.
Chúng ta đang tiệm cận rất sát vùng đỉnh 1.500 – 1.545 điểm, giai đoạn đỉnh của tháng 11 – 12/2021 và đầu tháng 1/2022. Với đà tăng mạnh mẽ như hiện nay, việc vượt đỉnh lịch sử của năm 2021 – 2022 chỉ là câu chuyện thời gian. Kỳ vọng thời điểm vượt qua đỉnh sẽ rơi vào tháng 9 – 10 năm nay. Nếu dòng tiền nước ngoài tiếp tục giải ngân mạnh như hiện nay, chứng khoán có thể vượt đỉnh ngay trong cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Trong tuần vừa qua, chứng khoán tăng 5%, mạnh nhất kể từ năm 2022. Diễn biến này làm nhiều nhà đầu tư liên tưởng tới đà tăng của nửa cuối 2021, đầu 2022. Thứ hai, về mặt thanh khoản, khối lượng giao dịch lên mức cao nhất lịch sử, đạt 6,1 tỷ cổ phiếu trong tuần vừa quan.
Với việc chỉ số chuẩn bị vượt đỉnh, thanh khoản củng cố, câu chuyện nới lỏng chính sách, bối cảnh vĩ mô bên ngoài tích cực, thị trường tiếp tục có nhiều câu chuyện để kỳ vọng, chẳng hạn như thay đổi cải cách thể chế, luật mới hỗ trợ tăng trưởng, nâng hạng, nhà đầu tư trở lại mua ròng…
Tuy nhiên, VN-Index cũng đang chạm đến những vùng cản mạnh. Thị trường đã có ba tháng tăng liên tiếp rất mạnh là tháng 5, 6, 7. Hiện nay, chỉ số đang chạm sát vùng Fibonacci 100% và có thể sẽ có những pha nhiễu động trong phiên hoặc biến động một hai tuần từ 2 – 5%. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần tránh mua những cổ phiếu đã tăng nóng, rơi vào nhịp FOMO.
Đồng thời, chỉ số RSI theo đồ thị tuần cũng đang vào ngưỡng quá mua. Nhìn lại lịch sử, khi RSI vào vùng 75 – 80 thì thị trường đều có xác suất rung lắc, điều chỉnh. Nhìn lại giai đoạn tháng 12/2020 và tháng 6/2021 thì RSI vào vùng quá mua, khiến thị trường có pha rung lắc rất mạnh.
Tuy nhiên, thị trường sẽ rung lắc để đi lên, chứ không phải đi xuống. Khi đã trong uptrend, việc phá vỡ xu hướng sẽ rất khó. Ở đồ thị ngày, RSI đang cao nhất kể từ 2019, thị trường có thể đối mặt với rung lắc trong nửa cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Số cổ phiếu trong rổ VN-Index có RSI lớn hơn 70 cũng đang ở mức tương đối cao so với 4 năm trở lại đây, đạt 22%. Dữ liệu này cho thấy giai đoạn này tiềm ẩn rủi ro rung lắc do xu hướng chốt lời.
Thu Minh