'Nếu không đánh vào túi tiền, sẽ khó có thể ngăn chặn tỷ lệ hút thuốc lá'

'Nếu không đánh vào túi tiền, sẽ khó có thể ngăn chặn tỷ lệ hút thuốc lá'
5 giờ trướcBài gốc
ThS. BS. Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) thông tin tại sự kiện
Tại sự kiện, ThS.BS. Phan Thị Hải cho biết, tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.
Bà Hải cho biết, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.
Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.
Nghiên cứu của WHO cho thấy, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0,9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.
Toàn cảnh hội thảo
ThS.BS. Phan Thị Hải cho biết, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nếu không đánh vào túi tiền thì sẽ khó có thể ngăn chặn tỷ lệ hút thuốc lá. Vì vậy, bà Phan Thị Hải rất ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và cho rằng không thể trì hoãn việc tăng thuế đối với thuốc lá thêm nữa.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến các chính sách tài khóa vì sự phát triển bền vững, tăng thuế thuốc lá là một giải pháp được khuyến nghị mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy việc tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam thường bị phản đối với các lập luận như gây gánh nặng cho nhóm thu nhập thấp hoặc có thể làm gia tăng buôn lậu, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy những lo ngại này không hoàn toàn xác đáng. Do đó, việc phân tích vai trò của thuế thuốc lá trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế - xã hội là rất cần thiết.
“Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá. Cần rất nghiêm túc với mục tiêu tăng thuế lần này vì chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá. Nếu giãn ra thì tác động sẽ rất thấp. Tăng mạnh, ngay, cao, liên tục thì mới đạt được tác dụng, đạt được mục tiêu quốc gia”.
Ông Phạm Văn Long - Giám đốc VESS
Buổi tập huấn do VESS tổ chức diễn ra 2 phiên thảo luận. Ở phiên đầu tiên, các chuyên gia đã trình bày về các chuyên đề: Tăng thuế thuốc lá - giải pháp hiệu quả giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; Tác động của tăng thuế thuốc lá lên sản xuất và kinh doanh thuốc lá; Các tác động kinh tế - xã hội khác của tăng thuế thuốc lá. Ở phiên tiếp theo, các chuyên gia tiếp tục thảo luận thêm về các vấn đề xoay quanh tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường.
Trước bối cảnh Quốc hội đang xem xét sửa đổi và thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có việc tăng thuế thuốc lá, nội dung chương trình tập huấn đã cung cấp thêm thông tin, góc nhìn cho các đại biểu tham dự về chính sách thuế thuốc lá.
An Khê
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/neu-khong-danh-vao-tui-tien-se-kho-co-the-ngan-chan-ty-le-hut-thuoc-la-20250423215542738.htm