'Ngã ba Đông Dương': Giao điểm của tình hữu nghị

'Ngã ba Đông Dương': Giao điểm của tình hữu nghị
một ngày trướcBài gốc
Vẻ đẹp trù phú, thẳm xanh của miền biên giới Bờ Y.
Cột mốc biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào được thi công năm 2007 và hoàn thành vào đầu năm 2008 là một công trình đặc biệt, mang đậm dấu ấn đoàn kết, hữu nghị giữa ba quốc gia. Quá trình xây dựng cột mốc có dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia ba nước.
Cột mốc cao 2 mét, nặng hơn 900kg có hình trụ tam giác, làm từ đá hoa cương bền vững, thẩm mỹ. Mỗi mặt của cột mốc đều gắn quốc huy, ghi năm cắm mốc và tên quốc gia bằng dòng chữ đỏ nổi bật, thể hiện sự tôn nghiêm và đặc trưng của từng đất nước.
Công trình Cột mốc biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào.
Phía Việt Nam, cột mốc quay về xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; phía Lào là tỉnh Attapeu và phía Campuchia là tỉnh Rattanakiri. "Cột mốc ba biên" nơi "tiếng gà gáy sáng ba nước cùng nghe" đã trở thành một địa điểm nổi tiếng ở miền biên viễn cực Bắc Tây Nguyên.
Cũng tại nơi này, nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính biểu tượng cao trong chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới ba nước đã được tổ chức.
Lối lên cột mốc biên giới ba nước có 120 bậc.
Sau hành trình vượt 120 bậc thang dốc đứng từ chân cột mốc lên đỉnh Đồi Tròn, đứng trước cột mốc "Ngã ba Đông Dương" vững vàng giữa không gian bao la, ai nấy đều rưng rưng xúc động.
Những người lính của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y chia sẻ, hoạt động tuần tra chung của các lực lượng bảo vệ biên giới ba nước là minh chứng sống động cho tình đoàn kết không ngừng được vun đắp.
Đây là một giao điểm thiêng liêng không chỉ thuộc về núi rừng Tây Nguyên, mà của chung cả dân tộc. Vào những dịp lễ tết, Quốc kỳ ba nước sẽ tung bay dọc lối lên cột mốc.
Tự hào, rưng rưng khi thăm cột mốc thiêng liêng.
Cột mốc biên giới là biểu tượng thiêng liêng thể hiện rõ ý chí, quyết tâm của Chính phủ và nhân dân ba nước anh em trong sự tin cậy, hiểu biết và tinh thần hợp tác hữu nghị.
Đến thăm cột mốc, du khách vừa có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên, và quan trọng hơn là cảm nhận sâu sắc tinh thần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, trách nhiệm gìn giữ bờ cõi thiêng liêng.
Quốc huy và tên đất nước ta hiện lên trang trọng.
Lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum luôn túc trực, bảo vệ từng tấc đất biên cương.
So với nhiều năm về trước, bây giờ, đường đến "Ngã ba Đông Dương" không quá khó, nhưng mỗi nhịp di chuyển, mỗi bậc thang dường như đều chất chứa cảm xúc thật thiêng liêng, khiến người ta không thể "băng băng" mà cất bước.
Ai cũng muốn vừa đi vừa ngắm, nhìn mây trời đang đổi sắc, gió đang vờn quanh, cây cối cỏ hoa cũng như muốn thủ thỉ, chuyện trò với khách xa.
Khung cảnh bình yên miền biên viễn.
Từ đỉnh núi cao lộng gió, giữa không gian bao la, ta có thể phóng tầm mắt trước lãnh thổ ba nước. Cột mốc biên giới này cách Cửa khẩu quốc tế Bờ Y khoảng 10km và cách chính ngã ba biên giới 3km.
Đây là "cột mốc ba biên" thứ hai của Việt Nam, sau cột mốc đầu tiên của ba nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc tại A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).
"Ngã ba Đông Dương" ngày càng thu hút du khách.
Trong không khí trang nghiêm của hoạt động tuần tra cột mốc, những ai có vinh dự được chứng kiến đều tự giác giữ trật tự, lặng lẽ quan sát và tôn trọng nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của bộ đội biên phòng.
Nghi thức chào cột mốc cùng ánh nhìn chăm chú, động tác dứt khoát mà chứa chan tình cảm của những người lính khi kiểm tra chi tiết Quốc huy, tên quốc gia trên mặt cột mốc chạm vào lòng người ấn tượng khó quên.
Mùa này, "đặc sản" miền biên giới là... mây!
Ngay dưới chân đồi, cạnh Nhà trưng bày truyền thống, Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn là khu vực hàng lưu niệm và bãi đậu xe, tạo thành một không gian rộng rãi, thoáng đãng với diện tích 3.600m².
Đồi núi trập trùng, ngàn thông reo ca dưới làn gió mát lành mang đến cảm giác yên bình, thanh thoát. Trên đỉnh đồi, một vùng đất bằng phẳng được bao phủ bởi nhiều vòm cây xanh tươi tươi, được trồng bởi đại biểu ba nước, tạo nên "Vườn cây hữu nghị".
Bà con nhân dân tự hào giới thiệu, vào mùa hoa dã quỳ, đứng nơi đây sẽ chiêm ngưỡng được hết những sườn đồi hoa ngập tràn sắc hoa nở vàng rực rỡ, vẽ nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Còn mùa này, "đặc sản" là... mây! Mây không ngừng biến ảo, làm nên vẻ huyền bí, khơi gợi sự tò mò cho du khách.
Thông tin về cột mốc biên giới ba nước.
Trong những năm qua, "Ngã ba Đông Dương" đã diễn ra nhiều hoạt động về nguồn, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử truyền thống bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, đồng thời tôn vinh tình đoàn kết keo sơn giữa ba nước Đông Dương.
Cột mốc biên giới cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ trong các hoạt động đối ngoại nhân dân và đối ngoại biên phòng, nơi các lực lượng chuyên trách từ tỉnh Kon Tum, Attapeu (Lào) và Rattanakiri (Campuchia) hội tụ, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hòa bình, hữu nghị, góp phần xây dựng một biên giới vững mạnh, ổn định và phát triển.
Cảnh đẹp hùng vĩ nơi biên giới.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch bền vững, ngành du lịch tỉnh Kon Tum đang chú trọng xây dựng một hệ thống điểm, tuyến du lịch đồng bộ và hài hòa, kéo dài trên diện tích đất của ba quốc gia xung quanh khu vực cột mốc quốc giới chung nhằm mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực.
Tỉnh Kon Tum còn phát triển đa dạng các loại hình du lịch, từ du lịch văn hóa khám phá những làng đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, đến du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng, tạo nên những hành trình đầy ý nghĩa.
Du khách còn có thể tham gia các hoạt động mua sắm, tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm, kết nối sâu sắc hơn với vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.
Cuộc sống vùng biên đang đổi khác từng ngày.
Mùa xuân này, nơi ngã ba biên giới, bao điều tươi mới và hy vọng đang lan tỏa trên mảnh đất thiêng liêng này. Cửa khẩu quốc tế Bờ Y rất nhộn nhịp với hoạt động xuất nhập cảnh, giao thương hàng hóa, trở thành cửa ngõ quan trọng kết nối ba nước.
Các công trình ý nghĩa cùng hạ tầng cơ sở cũng được đầu tư mạnh mẽ, góp phần nâng cao tầm vóc của khu kinh tế cửa khẩu.
Xa xa, thị trấn Plei Kần ngày xưa nhỏ bé, héo lánh giờ đã mang diện mạo của đô thị biên giới hiện đại, sầm uất, hòa nhịp vào sự phát triển không ngừng.
Cùng với đó, đời sống của nhân dân khu vực biên giới cũng đang từng ngày cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ngọc Hồi đã giảm đáng kể. Mọi đổi thay vừa mang đến niềm vui, vừa như khẳng định về tương lai tươi sáng nơi biên giới. Đó là miền "đất lửa", không chỉ có hòa bình, gắn kết mà còn thịnh vượng.
Nhiều du khách vượt hành trình xa xôi để tham quan "Ngã ba Đông Dương".
Điều thú vị là ở xã biên giới Bờ Y có nhiều gia đình người Mường từ xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) di cư vào đây từ năm 1992. Dù xa quê, nhớ quê da diết, chịu cảnh đau ốm vì thay đổi khí hậu đột ngột, họ vẫn kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn để xây dựng đời sống mới.
Bà con xúc động kể lại, tuy ngày ấy khó khăn, nhưng đất đai màu mỡ, người dân động viên nhau khai hoang, trồng lúa, trồng sắn, chia sẻ với nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Bây giờ, cà phê, cao su, bời lời... đã vươn lên xanh ngút ngát, cuộc sống dần ổn định, khấm khá hơn nhiều.
Với tinh thần hiếu học, người dân xứ Mường còn phấn đấu học hành, thi cử và hiện có rất nhiều người con ưu tú làm cán bộ, nhà giáo, có sức ảnh hưởng quan trọng về văn hóa, tinh thần ở địa phương.
Cửa khẩu quốc tế Bờ Y vẫn giữ vẻ mộc mạc, gần gũi.
Đất và người Tây Nguyên luôn mang một sức hút mạnh mẽ. Chúng ta sẽ càng cảm nhận điều ấy sâu hơn khi đến với "Ngã ba Đông Dương".
Để đến xã Bờ Y, có nhiều lựa chọn phương tiện phù hợp tùy thuộc vào vị trí xuất phát. Nếu từ phía Bắc, du khách có thể bắt chuyến bay đến Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), rồi tiếp tục hành trình bằng xe khách đến Ngọc Hồi; cũng có thể lựa chọn xe khách từ Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh dọc quốc lộ 1A như Quảng Bình, Quảng Ngãi… để đến Kon Tum.
Nếu có thời gian và mong muốn tận hưởng hết vẻ đẹp của Tây Nguyên, một hành trình bằng xe máy sẽ là lựa chọn lý tưởng. Chạy qua những con đèo uốn lượn, qua đèo Phượng Hoàng vào Đắk Lắk, du khách sẽ được đắm mình trong không gian rộng mở của đất đỏ, nắng gió và những trải nghiệm khó quên, đưa bạn gần hơn với những vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của vùng đất này.
Du khách mua sắm tại cửa hàng biên giới.
Nhiều chục năm sau chiến tranh, bên dòng sông Pô Kô êm đềm, vùng "đất lửa" từng bị cày xới bởi bom đạn, chất độc hóa học đã hồi sinh kỳ diệu. Từ những hố bom sâu hoắm năm nào đã bừng lên những vạt rừng xanh um, những đồi cà-phê, những cánh rừng cao su ngút mắt xen lẫn mái nhà bình yên nằm dọc theo quốc lộ.
Cây hữu nghị vươn xanh trên mảnh đất biên giới.
Bộ đội ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y rất ấm áp, nhiệt thành, hướng dẫn tận tình cho tất cả du khách. Mùa này, hai bên đường trập trùng núi đồi còn điểm xuyết thêm nhiều loài hoa mới được bà con, bộ đội ươm trồng đủ sắc: đỏ, tím, vàng... xôn xao trong gió đại ngàn.
Thi thoảng, ghé chợ ven đường, gọi một ly cà phê, du khách có thể lắng nghe được bao câu chuyện giản dị, mộc mạc của người dân sớm khuya lam lũ. Vẻ đẹp mộc mạc từ ánh mắt, nụ cười của những con người đã gắn bó máu thịt với miền biên giới không khỏi dấy lên niềm xúc động với khách xa.
Quốc huy của nước Lào trên cột mốc biên giới.
Đến nơi này, ngoài tham quan cột mốc biên giới, các du khách còn được ghé thăm Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, công trình khởi công vào năm 2014, khánh thành năm 2017 với ý nghĩa tri ân lớp lớp người Việt đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Quốc huy của Campuchia trên cột mốc biên giới.
Theo thống kê của Tổ Kiểm tra, kiểm soát Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, từ đầu năm 2025 đến nay, có hơn 15.000 lượt du khách tham quan cột mốc, chứng tỏ sức hút và tiềm năng phát triển du lịch, đồng thời là cầu nối giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử của dân tộc.
MAI LỮ - TRẦN THÀNH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nga-ba-dong-duong-giao-diem-cua-tinh-huu-nghi-post869182.html