Lô tên lửa Javelins do Mỹ viện trợ được chuyển tới sân bay ở Kiev, Ukraine. Nguồn: AFP/TTXVN
Theo đó, trong cuộc họp báo gần nhất, bà Zakharova đã khẳng định gói viện trợ quân sự trên sẽ không thể đảm bảo an ninh cho phía Ukraine và nhấn mạnh: "Chính quyền Biden có ý định công bố gói viện trợ cuối cùng cho Ukraine trong khuôn khổ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng mọi thứ hoàn toàn ngược lại". Bà cũng cho rằng phương Tây đang tiếp tục làm mọi cách để leo thang xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trước đó, hãng tin Reuters đưa tin rằng chính quyền Mỹ tìm cách cung cấp một gói viện trợ quân sự cuối cùng cho Ukraine trước khi Tổng thống Biden rời Nhà Trắng. Gói viện trợ trên của chính quyền Biden nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Trợ giúp An ninh Ukraine (USAI) nhằm sử dụng hết số tiền còn lại để mua vũ khí cho Ukraine. Gói viện trợ này sẽ bao gồm các hệ thống tên lửa đánh chặn và đạn pháo nhưng nội dung chi tiết chưa được công bố chính thức.
Trong khuôn khổ USAI, thiết bị quân sự sẽ được mua từ ngành công nghiệp quốc phòng hoặc đối tác, thay vì sử dụng từ kho dự trữ của Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc có thể phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm vũ khí viện trợ mới được đưa ra chiến trường.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2/2022, Mỹ đã cam kết viện trợ 175 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có khoảng 61,4 tỷ USD hỗ trợ an ninh.
Khoảng một nửa số tiền hỗ trợ an ninh trên đến từ chương trình USAI và phần còn lại được rút ra từ kho dự trữ quân sự bằng quyền hành pháp của tổng thống. Hiện vẫn còn khoảng 5,6 tỷ USD chưa được giải ngân.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc từ chối bình luận về thông tin trên với lý do họ không thảo luận về các gói hỗ trợ an ninh trước khi chúng được chính thức công bố.
Gói viện trợ theo chương trình USAI có thể là một trong những bước đi cuối cùng mà Mỹ thực hiện nhằm hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Giới nghiên cứu đang đặt ra nhiều câu hỏi đối với Chính quyền Trump 2.0 về việc viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với phía Nga. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump từng công khai lên tiếng chỉ trích về vấn đề viện trợ quân sự này, thậm chí còn tuyên bố sẽ giúp chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ngoài ra, ông Trump đã có nhiều nghi vấn về mức độ tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời cho rằng các quốc gia đồng minh châu Âu nên gánh chịu trách nhiệm tài chính nhiều hơn.
Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS, Reuters)