Những lời đe đọa hạt nhân của giới chức Nga không phải là điều mới mẻ, nhưng lần này nó đến từ ông Sergei Shoigu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và hiện là Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan quyền lực bậc nhất trong cấu trúc an ninh của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/4 với hãng thông tấn nhà nước TASS, ông Shoigu khẳng định Moscow có thể cân nhắc đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu một cuộc tấn công thông thường nhằm vào Nga hoặc đồng minh Belarus gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ của hai nước.
Một vụ nổ từ tên lửa đạn đạo thắp sáng bầu trời Kiev trong cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine ngày 24/4. Ảnh: Reuters
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Nga vừa tiến hành cuộc tấn công lớn bằng tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào thủ đo Kiev. Theo Không quân Ukraine, nhiều khu vực khác trên khắp đất nước cũng bị nhắm mục tiêu. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng liên quan đến các ngành công nghiệp hàng không, tên lửa, vũ trụ và các nhà máy sản xuất xe tăng.
Những động thái quân sự của Nga cũng như phát ngôn cứng rắn của ông Shoigu cũng xuất hiện trong thời điểm then chốt của cuộc chiến, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống JD Vance phát đi cảnh báo rằng Washington sẽ từ bỏ mọi nỗ hòa bình nếu Ukraine và Nga nếu không sớm đạt được bước tiến cụ thể trong tiến trình đàm phán.
Chính quyền Trump đã đề xuất một kế hoạch gây tranh cãi, trong đó Ukraine được yêu cầu nhượng lại toàn bộ các vùng lãnh thổ hiện đang nằm trong tay Nga kể từ năm 2022. Ngoài ra, đề xuất còn ám chỉ rằng Mỹ sẽ công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea - vùng đất đã được sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi vào năm 2014.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch này, đồng thời nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ không bao giờ công nhận tính hợp pháp trong yêu sách của Nga đối với Crimea.
"Không có gì để đàm phán cả. Điều đó vi phạm Hiến pháp của chúng tôi. Đây là lãnh thổ của Ukraine và sẽ luôn như vậy", ông Zelensky nói.
Dù vậy, lời lẽ của ông Shoigu không đồng nghĩa với việc học thuyết hạt nhân của Nga đã thay đổi. Quan chức này chỉ đơn thuần nhắc lại những sửa đổi trong chính sách quốc phòng mà Tổng thống Putin đã ký vào tháng 11/2024, trong đó xác định rõ các điều kiện Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo USA Today