Các hệ thống phòng không S-400 tại Syria đã không trở về Nga mà được đưa tới Libya, dấu hiệu cho thấy một căn cứ quân sự mới sẽ xuất hiện tại quốc gia Bắc Phi này.
Ấn phẩm Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn tin riêng cho biết, Nga đang gửi các hệ thống phòng không và vũ khí hiện đại từ Syria sang quốc gia Bắc Phi Libya, cho thấy nỗ lực của Moskva nhằm duy trì ảnh hưởng sau khi mất vị thế ở Trung Đông.
Nhiều máy bay vận tải của Nga đã chuyên chở các bộ phận của hệ thống phòng không S-300 và S-400, bao gồm cả radar, từ những căn cứ nằm trên đất Syria đến các cơ sở quân sự ở miền Đông Libya.
Vùng lãnh thổ này của Libya đang do Nguyên soái Khalifa Haftar - một đồng minh của Nga kiểm soát. Bên cạnh đó, binh sĩ, máy bay và vũ khí cũng được rút khỏi Syria, cho thấy hiện diện quân sự của Nga tại nước này đang suy giảm nhanh chóng.
Các căn cứ như Hmeimim hay Tartus đóng vai trò là nền tảng trong việc triển khai sức mạnh của Nga trên khắp Trung Đông và châu Phi. Điện Kremlin đang tìm cách tăng cường hiện diện ở Libya sau khi chính quyền Syria sụp đổ, để duy trì sức ép tại khu vực có binh sĩ NATO.
Ấn phẩm WSJ nhấn mạnh, hiện diện của Nga ở Libya đã được thiết lập từ lâu, đó là việc tham gia cuộc nội chiến của Công ty quân sự tư nhân (PMC) Wagner, vốn từ lâu đã có hợp tác với Nguyên soái Haftar.
Các binh sĩ Wagner thường sử dụng các cơ sở chẳng hạn như căn cứ không quân Hmeimim, để quá cảnh sang Libya. Vào năm ngoái, phía Nga đã thảo luận với Nguyên soái Haftar về khả năng nâng cấp cảng biển ở Benghazi và Tobruk để tiếp nhận tàu chiến.
Tờ WSJ nói rõ: "Nguyên soái Haftar đang tìm cách củng cố vị thế của mình ở đất nước bị chia cắt, khi từ lâu ông ta đã yêu cầu các hệ thống phòng không từ Nga và yêu cầu này có thể sẽ được đáp ứng".
"Libya vẫn bị chia rẽ vì cuộc nội chiến giữa các phe phái ở phía Đông và phía Tây kể từ khi Đại tá Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011. Sự hiện diện của Nga giúp Nguyên soái Haftar đứng vững trước lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đóng ở phía Tây đất nước".
Nhưng phương Tây đang gây áp lực lên Nguyên soái Haftar, khi Washington đã thông qua Giám đốc CIA William Burns để gửi nhiều cảnh báo về việc không nên chấp nhận việc Nga gia tăng ảnh hưởng.
Mặc dù vậy có vẻ như Nguyên soái Haftar sẽ không thay đổi quan điểm, bởi ông ta cần lực lượng Nga làm chỗ dựa khi chính quyền Tây Libya với hỗ trợ từ Ankara cũng như nhiều nước phương Tây khác đang giành ưu thế đáng kể.
Việc thiết lập căn cứ quân sự mới tại Đông Libya cũng là phương án khả thi nhất với Nga, khi chính quyền Sudan mới đây đã cự tuyệt đề xuất của Moskva đó là nhận hệ thống phòng không S-400 để đổi lấy quyền lập căn cứ hải quân tại Cảng Sudan.
Theo giới quan sát, Nga hiện đang đẩy nhanh tốc độ rút quân khỏi Syria, có thể việc triệt thoái hoàn toàn của họ sẽ hoàn tất ngay trong tháng này, hoặc chỉ kéo dài sang tuần đầu tiên của năm 2025.
Những căn cứ quân sự Nga bỏ lại đã bị Quân đội Mỹ, lực lượng vũ trang người Kurd hay các nhóm đối lập khác tại Syria nhanh chóng tiếp quản, từ đó xóa bỏ ảnh hưởng của Moskva tại quốc gia Trung Đông này.
Việt Dũng
Theo Wall Street Journal