Ảnh Reuters
Áo là một trong số ít quốc gia châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga vì phần lớn các nước còn lại của lục địa này đã giảm lượng khí đốt nhập khẩu sau cuộc xung đột ở Ukraine vào năm 2022.
Hôm thứ Tư 13/11, OMV cho biết họ đã nhận phán quyết từ Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) để được bồi thường hơn 230 triệu euro (243,06 triệu đô la), do nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom không đều cho đơn vị của họ tại Đức.
Đường ống dẫn khí đốt Nordstream từ Nga tới Đức đã bị vỡ vào thời điểm đó do nổ và chưa được sửa chữa.
Mặc dù phán quyết trọng tài liên quan đến nguồn cung khí đốt cho đơn vị ở Đức của Áo, nhưng nếu Gazprom không trả khoản tiền mà tòa án đã ra quyết định, thì OMV sẽ phải trừ vào hóa đơn theo hợp đồng cung cấp khí đốt của Áo với Gazprom Export, thông qua tuyến đường trung chuyển của Ukraine, để bồi thường.
Gazprom từ chối bình luận.
Hợp đồng trung chuyển của Ukraine và Nga sẽ kết thúc vào cuối năm nay nếu không có hợp đồng mới giữa Naftogaz và Gazprom. Kyiv đã nhiều lần tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng với Gazprom.
OMV cho biết, khoản thanh toán khí đốt của họ thường được thực hiện cho Gazprom vào cuối tháng, nghĩa là nguồn cung khí đốt có thể dừng lại vào tháng này hoặc tháng 12.
Klaas Dozeman, nhà phân tích thị trường tại Brainchild Commodity Intelligence, cho biết thêm: "Ngày thanh toán tiếp theo (ngày 20/11) có thể hiểu là nguồn cung cấp khí đốt qua Ukraine sẽ giảm một nửa kể từ ngày 21 tháng 11 trở đi nếu Gazprom ngừng giao hàng".
Giá khí đốt bán buôn của Hà Lan đạt mức cao nhất trong gần một năm vào sáng thứ Năm 14/11 do lo ngại nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Áo có thể bị cắt.
Nguồn cung
Tính đến tháng 8, 82% lượng khí đốt nhập khẩu của Áo đến từ Nga, theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Áo. Một trong những lý do tại sao lượng lớn khí đốt vẫn chảy vào Áo là do OMV có hợp đồng cung cấp với Gazprom cho đến năm 2040.
Hợp đồng này quy định việc cung cấp hằng năm khoảng 6 tỷ mét khối khí đốt và bao gồm điều khoản mua hoặc trả tiền phạt, theo đó OMV phải trả tiền bất kể có mua khí đốt hay không.
OMV cho biết họ đã và đang chuẩn bị cho việc cắt nguồn khí đốt của Nga trong một thời gian ngắn, nhưng họ vẫn có thể cung cấp khí đốt cho khách hàng của mình. Họ đã đảm bảo được năng lực vận chuyển từ Đức và Ý đến Áo, cũng như các hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp khí đốt khác. Họ cũng có thể lấy khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Hà Lan.
"Những diễn biến hiện tại xung quanh hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga và OMV cần được xem xét nghiêm túc, nhưng phải không gây ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn cung của chúng tôi. Chúng tôi luôn biết rằng nguồn cung cấp khí đốt từ Nga là không an toàn", Leonore Gewessler, Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu Áo, cho biết trên X.
Các công ty khí đốt châu Âu khác cũng đã đệ đơn kiện Gazprom vì cung cấp ít hơn so với hợp đồng hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, bao gồm CEZ, RWE, Uniper và ENI.
Bản thân Gazprom đã tiến hành nhiều vụ kiện tụng với các công ty châu Âu về nguồn cung cấp khí đốt, nhằm cố gắng chống lại các khiếu nại trị giá ít nhất 17 tỷ euro (17,86 tỷ đô la).
Gazprom cũng đã cố gắng chuyển vụ việc trọng tài sang tòa án Nga, vì họ cho rằng các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu ngăn cản Gazprom tiếp cận công lý châu Âu.
Yến Anh
Reuters