Kế hoạch táo bạo
Xe tăng T-14 Armata tham gia buổi tổng duyệt nhân kỉ niệm Ngày Chiến thắng ở Moskva, Nga. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chuyên trang quân sự bulgarianmilitary.com ngày 3/7 cho biết trong một động thái thể hiện tham vọng quân sự mạnh mẽ, các nguồn tin quốc phòng và truyền thông thân chính phủ Liên bang Nga đang ca ngợi sự gia tăng đột biến về năng lực sản xuất xe tăng của nước này. Theo đánh giá gần đây của các chuyên gia về xung đột và chiến tranh, Moskva (Moscow) đang chuẩn bị sản xuất khoảng 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực mới vào giữa năm 2028 và có kế hoạch nâng sản lượng lên đến 3.000 xe vào giữa năm 2035. Kế hoạch táo bạo này cho thấy Liên bang Nga muốn củng cố lực lượng thiết giáp ở quy mô lớn chưa từng có, khiến các nhà quan sát toàn cầu phải chú ý đến chiến lược quân sự của Điện Kremlin.
Kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Moskva đã cho thấy năng lực đáng kể trong việc duy trì lực lượng thiết giáp của mình bất chấp những tổn thất nặng nề trên chiến trường. Tuy nhiên, trụ cột của nỗ lực này không phải là sản xuất các xe tăng hiện đại mới từ nhà máy, mà là tân trang và hiện đại hóa các mẫu xe thời Liên Xô, đặc biệt là T-80 và T-90.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở chính ở London (Anh), Liên bang Nga đang cung cấp khoảng 1.500 xe tăng mỗi năm cho các lực lượng của mình, trong đó khoảng 80% là xe tăng được tân trang hoặc nâng cấp từ kho dự trữ thời Liên Xô, chứ không phải xe tăng mới hoàn toàn. Sự phụ thuộc vào các phiên bản T-80 và T-90 cũ, được lấy ra từ kho và trang bị thêm kính ngắm hiện đại, giáp phản ứng nổ cùng hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến, cho thấy cả sức bền và những giới hạn của ngành công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga khi phải đối mặt với yêu cầu của một cuộc chiến kéo dài.
T-80BVM, phiên bản nâng cấp của T-80 ra mắt năm 2017, là ví dụ điển hình cho chiến lược này. Được trang bị giáp phản ứng nổ Relikt và kính ngắm Sosna-U, những chiếc xe tăng hiện đại hóa này đã xuất hiện tại Ukraine, trong đó năm 2022 có 300 chiếc được bàn giao. Tương tự, T-90M “Proryv” - loại xe tăng hiện đại nhất đang hoạt động của Liên bang Nga, cũng chứng kiến sản lượng tăng mạnh. Theo nhóm Tình báo Xung đột (CIT), Uralvagonzavod – nhà sản xuất xe tăng chính của Liên bang Nga – đã chế tạo 60 - 70 chiếc T-90M trong năm 2022, tăng lên 140 - 180 chiếc vào năm 2023 và có thể đạt 250 - 300 chiếc vào năm 2024.
Tuy nhiên, ngay cả sự gia tăng này cũng bao gồm sự kết hợp giữa xe tăng mới và khung xe cũ được tân trang, do các lệnh trừng phạt và hạn chế về tài nguyên khiến Liên bang Nga khó có thể sản xuất hoàn toàn xe mới ở quy mô lớn. Những tổn thất nặng nề – theo xác nhận của nhóm theo dõi nguồn mở Oryx thì đã có hơn 3.700 xe tăng bị tiêu diệt tính đến năm 2025 – buộc Moskva phải dựa vào kho dự trữ, nâng cấp những chiếc xe tăng T-80U và xe tăng T-90A cũ để đáp ứng nhu cầu chiến trường.
Cách tiếp cận này đã bộc lộ điểm yếu then chốt của lực lượng xe tăng Liên bang Nga, đó là chất lượng đang suy giảm. Khi các mẫu xe mới như T-90M bị phá hủy (theo CIT, Liên bang Nga đã mất hơn 130 chiếc T-90M kể từ năm 2022), Moskva ngày càng phải sử dụng các nền tảng lạc hậu như xe tăng T-62, thậm chí cả xe tăng T-55, với một số xe không có nâng cấp hiện đại nào.
Xe tăng T-90 của Liên bang Nga khai hỏa. Ảnh: TASS
Chuyên gia quân sự Ukraine Oleksandr Kovalenko nhận định rằng nhà máy Uralvagonzavod chủ yếu tập trung vào hiện đại hóa hơn là sản xuất mới, với chỉ 3 - 6 chiếc T-90 mới được chế tạo mỗi tháng trong điều kiện lý tưởng. Xu hướng này, kết hợp với việc kho dự trữ khả dụng đang cạn kiệt – ước tính vào cuối năm 2024 chỉ còn 47% so với trước chiến tranh – cho thấy mặc dù Liên bang Nga có thể duy trì hoạt động thiết giáp trong ngắn hạn, nhưng triển vọng dài hạn là rất mong manh khi nguồn lực thời Liên Xô dần cạn kiệt.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sản xuất xe tăng của Liên Xô là một cỗ máy khổng lồ, thể hiện sức mạnh công nghiệp và ưu thế quân sự. Vào đỉnh điểm những năm 1980, Liên Xô sản xuất khoảng 3.000 xe tăng mỗi năm, với các nhà máy như Uralvagonzavod, Malyshev ở Kharkiv và Kirov ở Leningrad vận hành trong một mạng lưới công nghiệp rộng lớn.
Những cơ sở này, với hàng chục nghìn công nhân và một chuỗi cung ứng khổng lồ, đã sản xuất các mẫu xe tăng huyền thoại như T-72 và T-80, tích lũy khoảng 50.000 xe tăng trong kho hoạt động và dự trữ vào cuối thập niên 1980.
Trong phân tích về sản xuất quân sự Liên Xô, nhà sử học quân sự Steven Zaloga cho biết: “Nền công nghiệp của Liên Xô không ai sánh kịp về khả năng cung cấp số lượng thiết giáp khổng lồ trên chiến trường”.
Năng lực này, được thúc đẩy bởi cơ chế kế hoạch hóa tập trung và nền kinh tế chỉ huy, cho phép Liên Xô phô diễn sức mạnh khắp châu Âu, chỉ riêng nhà máy Uralvagonzavod đã có thể cung cấp hàng nghìn phương tiện mỗi năm, khiến các nhà hoạch định chính sách phương Tây phải lo lắng tìm cách đuổi theo.
Đón đọc kỳ cuối: Những cản trở trong thực tế
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc