Nga dàn thế trận “gọng kìm 3 mũi”
Lực lượng của Ukraine đang phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng trên nhiều mặt trận trong bối cảnh quân đội Nga nỗ lực vắt kiệt sức chiến đấu của đối phương bằng cách kết hợp ba yếu tố chiến đấu thành một chiến thuật gắn kết chặt chẽ, nhằm gây áp lực lên đối phương.
Nga đang nỗ lực vắt kiệt sức chiến đấu của quân đội Ukraine. Ảnh: Getty
Theo đó, lực lượng Nga tiến hành các cuộc tấn công trên bộ để khống chế lực lượng Ukraine, sau đó triển khai máy bay không người lái thả chất nổ hạn chế sự di chuyển của đối phương, cuối cùng thả bom lượn vào các vị trí phòng thủ để tăng cường hiệu quả.
The Telegraph đưa tin, đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy Nga đang triển khai chiến thuật này trên chiến trường kể từ đầu năm nay. Đặc biệt, quân đội Nga đã tăng cường đáng kể việc sử dụng chiến thuật này trong hai tháng qua dọc theo tiền tuyến.
"Toàn bộ quân đội Nga đang sử dụng chiến thuật tam giác 3 chiều. Chúng tôi gọi đó là chiến thuật gây kiệt sức cho đối phương", ông Serhii Kuzan, Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine lưu ý.
Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào phương tiện chiến đấu và vị trí của Nga trong thời gian qua. Một số báo cáo cho biết lực lượng vũ trang Ukraine đã tấn công 1.159 xe tăng của Nga và hơn 2.500 xe bọc thép kể từ đầu năm 2025. Để đối phó với Kiev, Nga đang tìm cách phát huy tối đa lợi thế của nước này chẳng hạn như có nguồn cung cấp nhân lực ổn định, khả năng sản xuất máy bay không người lái và bom lượn nhanh chóng.
Những nỗ lực này đang chứng tỏ hiệu quả, với việc lực lượng Nga chiếm được gần 2.400km2 lãnh thổ của Ukraine vào năm 2024 - thành quả đáng kể nhất mà Moscow ghi nhận được kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022.
Nick Reynolds, nhà nghiên cứu viên về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng: “Đây là một cuộc chiến tiêu hao và chiến thuật gọng kìm 3 mũi đã gây thách thức lớn cho lực lượng phòng thủ Ukraine”.
Chiến thuật này bắt đầu bằng việc tiến hành các cuộc tấn công trên bộ dồn dập nhằm khống chế quân đội Ukraine, ngăn chặn khả năng cơ động và buộc họ lùi vào vị trí phòng thủ.
“Bằng cách triển khai số lượng lớn nhân lực tấn công vào các vị trí của Ukraine, họ đang cố gắng làm suy yếu binh lính và nguồn lực của chúng tôi. Cường độ giao tranh ở những nơi như Pokrovsk rất cao, các cuộc tấn công diễn ra hai giờ một lần. Tất nhiên điều này khiến binh lính của chúng tôi kiệt sức”, ông Kuzan nhấn mạnh.
Tiếp theo, Nga triển khai máy bay không người lái để hạn chế khả năng di chuyển của quân đội Ukraine, tiến hành giám sát, nhắm vào các điểm dễ bị tấn công và phá vỡ các cuộc di chuyển bằng mìn hoặc chất nổ.
Các máy bay không người lái này gồm nhiều loại, trong đó có máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), cho phép lực lượng Nga theo dõi sát sao các vị trí của quân đội Ukraine và phản ứng nhanh với bất kỳ sự dịch chuyển nào. Khi thời cơ thích hợp, máy bay không người lái sẽ rải mìn để chặn đường lui hoặc đường tiến của đối phương.
Nhà phân tích Reynolds đánh giá: “Do mối đe dọa từ máy bay không người lái Nga, Ukraine buộc phải bảo vệ tiền tuyến bằng cách lui vào các vị trí phòng thủ cố định và thực hiện biện pháp đánh lạc hướng, để che giấu nơi tập trung binh sĩ, vũ khí”.
Cuối cùng, Nga triển khai bom lượn để tấn công các vị trí quan trọng từ khoảng cách xa, làm suy yếu khả năng duy trì hoạt động của Ukraine.
Bom lượn là những loại bom cũ có từ thời Liên Xô, được Nga tích hợp thêm mô-đun dẫn đường và hiệu chỉnh thống nhất (UMPC), có cánh gập và thiết bị định vị GPS. Chúng thường được thả từ máy bay quân sự ở phía sau tiền tuyến và được dẫn đường đến mục tiêu. Các loại bom đạn tầm xa, dẫn đường chính xác này cho phép Nga phá hủy nhiều vị trí quan trọng của Ukraine, đặc biệt là căn cứ pháo binh và các cơ sở phòng thủ.
Ukraine rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan
Chiến thuật “gọng kìm 3 mũi” của Nga buộc binh lính Ukraine phải lựa chọn giữa việc giữ nguyên vị trí hoặc duy trì khả năng cơ động. Nếu giữ nguyên vị trí, họ có nguy cơ gánh chịu thương vong nặng nề và cạn kiệt tài nguyên, trái lại khi tiếp tục di chuyển, họ sẽ dễ bị tấn công bằng máy bay không người lái.
“Đây là lúc tình thế tiến thoái lưỡng nan xuất hiện. Lựa chọn nào cũng khó khăn và không có câu trả lời. Việc đào hầm và triển khai các biện pháp bảo vệ có thể giảm thiểu tổn thất do pháo binh hoặc UAV FPV của đối phương gây ra, nhưng bom lượn sẽ phá hủy các công sự đó và chôn vùi các đơn vị Ukraine”, nhà phân tích Reynolds nhấn mạnh.
Ông Reynolds cho biết thêm, điều khiến lực lượng Ukraine phải bám trụ tại vị trí là mối đe dọa kết hợp từ các hoạt động trên bộ, pháo binh và máy bay không người lái của Nga, đặc biệt là UAV FPV và UAV chiến thuật. Bom lượn trở thành yếu tố quan trọng nhất đối với chiến thuật này.
"Tỷ lệ sản xuất và sử dụng bom lượn cũng như máy bay không người lái FPV của Nga đã tăng đáng kể khi xung đột diễn ra", John Hardie, phó giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Phòng thủ Dân chủ nói với Telegraph.
Theo RUSI, Nga có kế hoạch sản xuất 75.000 quả bom lượn vào năm 2025, trung bình khoảng 205 quả mỗi ngày, giúp tăng đáng kể năng lực triển khai chiến thuật này.
Ukraine hiện đang tìm cách đối phó với chiến thuật "gọng kìm 3 mũi” của Nga bằng cách chuyển sang chiến lược phòng thủ linh động - liên tục thay đổi vị trí, thay vì giữ nguyên vị trí cố định. Theo ông Hardie, Ukraine đang sử dụng kết hợp mìn, máy bay không người lái tấn công và hỏa lực pháo binh truyền thống để chống lại lực lượng Nga trước khi họ đối phương điều động nhân lực cát cứ tại vị trí chiếm giữ. Kiev cũng mở rộng các đơn vị máy bay không người lái tấn công đóng vai trò là lực lượng chính, đồng thời gia tăng đáng kể sản lượng máy bay không người lái FPV và các hệ thống không người lái khác.
“Ukraine đã trở nên rất thành thạo trong việc sử dụng các biện pháp chống lại mọi hoạt động tấn công của Nga. Điều này có thể giúp Ukraine thích ứng với một cuộc chiến tiêu hao”, ông Hamish de Bretton-Gordon, cựu đại tá quân đội Anh và chuyên gia về vũ khí hóa học đánh giá.
Về phía Nga, nhà phân tích này cho rằng, chiến thuật gọng kìm 3 mũi có thể giúp Moscow giành thêm lợi thế, nhưng khó có thể tạo ra các hoạt động quy mô lớn để đạt được bước đột phá quyết định.
“Nga đang cố gắng làm suy yếu Ukraine nhưng họ không thể giáng một đòn quyết định”, ông Bretton-Gordon lưu ý.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Tổng hợp