Nga đang tăng cường hợp tác mảng này với một quốc gia thành viên BRICS

Nga đang tăng cường hợp tác mảng này với một quốc gia thành viên BRICS
10 giờ trướcBài gốc
Brazil và Nga dự kiến sẽ thúc đẩy hợp tác về công nghệ lò phản ứng module nhỏ (SMR), Bộ trưởng Khoáng sản và Năng lượng Brazil Alexandre Silveira cho biết sau chuyến thăm Moscow với Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva.
"Gã khổng lồ Rosatom của Nga sẽ sớm bắt đầu hợp tác với chính phủ Brazil để chúng tôi có thể tiến tới phát triển các lò phản ứng hạt nhân nhỏ SMR. Điều này sẽ rất quan trọng đối với tương lai năng lượng của chúng tôi", ông Silveira nói với báo Estadão của Brazil hôm 15/5.
Tuyên bố này được đưa ra sau các cuộc họp vào tuần trước giữa Tổng thống Brazil Lula da Silva và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở thủ đô Moscow, trong đó năng lượng là chủ đề chính.
Nga đã cung cấp uranium làm giàu cho các nhà máy điện hạt nhân Angra của Brazil, và các cuộc thảo luận về việc triển khai công nghệ SMR, bao gồm cả các đơn vị nổi, đã diễn ra từ giữa năm 2024.
Trong các cuộc đàm phán, ông Lula đã trình bày các thỏa thuận dự thảo bao gồm hợp tác quốc phòng, năng lượng và khoa học trong chuyến thăm Moscow đầu tiên của ông sau 15 năm. Nhà lãnh đạo Brazil tới để dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tại Moscow, ngày 9/5/2025. Ảnh: TASS
Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga từ lâu đã phát triển các dự án điện hạt nhân sử dụng công nghệ SMR ở nước ngoài, bao gồm một cơ sở với 6 lò phản ứng ở Uzbekistan.
Bộ trưởng Silveira của Brazil cũng đã gặp đại diện công ty con Tenex của Rosatom. Ông viết trên Facebook: "Mục đích của cuộc họp của chúng tôi là thiết lập quan hệ đối tác để tăng sản lượng uranium của Brazil và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân".
Brazil vận hành 2 lò phản ứng – Angra 1 và Angra 2 – cung cấp 3% điện năng quốc gia. Dự án Angra 3 vẫn bị đình trệ sau nhiều năm trì hoãn và điều tra tham nhũng.
Một nhóm làm việc giữa Brazil và Nga dự kiến sẽ hoàn thiện các chi tiết về hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa hai bên vào cuối năm 2025.
Nga và Brazil đều là thành viên sáng lập trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Hiện nhóm này đã mở rộng để bao gồm 11 thành viên và thu hút sự quan tâm của nhiều "quốc gia đối tác".
Mối quan hệ giữa Brazil và Nga trong khuôn khổ BRICS là vấn đề đáng được quan tâm đặc biệt, vì nó phần nào cho thấy chính sách của Moscow ở Mỹ Latinh và chiến lược của Brazil đối với các trung tâm địa chính trị toàn cầu, theo Đại học Quốc gia Saint Petersburg.
Minh Đức (Theo bne IntelliNews, IR Journal)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/nga-dang-tang-cuong-hop-tac-mang-nay-voi-mot-quoc-gia-thanh-vien-brics-204250516162010696.htm